Giấc mơ ô tô Việt hồi sinh?
Trong khi ngành ô tô nước nhà còn đang “thoi thóp” với giấc mơ ô tô Việt, mới đây sự kiện Vingroup đầu tư vào lĩnh vực ô tô với mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa ô tô xe máy của doanh nghiệp này lên đến 60% thực sự làm nóng lên dư luận.
Giấc mơ sở hữu ô tô Việt của người Việt có thành hiện thực?
Nhiều doanh nghiệp gục ngã
Trong hơn 10 năm qua, mục tiêu đưa công nghiệp ô tô trở thành ngành mũi nhọn của nước nhà vẫn dậm chân tại chỗ khi mà đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đã không đạt được như kỳ vọng.
Mục tiêu đặt ra là đạt 60% tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2018, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa ô-tô con (loại 4-7 chỗ) của Việt Nam mới chỉ đạt… 15% trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng cũng chỉ đạt khoảng 30% - 40% và chủ yếu chỉ tập trung ở những chi tiết, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp…
Không phải doanh nghiệp (DN) Việt thờ ơ với giấc mơ này, mà trên thực tế nhiều DN đã thử sức, song đã đi đến thất bại. Trường hợp của Vinaxuki là một ví dụ.
DN này đã bước chân vào lĩnh vực sản xuất ô tô với mong muốn sẽ đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hóa và góp phần đưa ngành ô tô đi đến với giấc mơ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, giấc mơ ô tô Việt mang thương hiệu Vinaxuki đã không trở thành hiện thực.
Theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc của Vinaxuki, công ty này đã phải phá sản mục tiêu sản xuất ô tô thương hiệu Việt với khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng. Và không phải chỉ riêng Vinaxuki, khá nhiều DN Việt đầu tư hướng tới việc sản xuất xe mang thương hiệu Việt giá rẻ, nhưng cuối cùng cũng đều thất bại.
“Vấn đề chính là các DN đầu tư vào sản xuất ô tô đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước” – ông Huyên thẳng thắn đưa ra ý kiến.
Cũng theo ông Huyên, không ít lần đề nghị cơ quan quản lý về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 50% nếu tỷ lệ nội địa hoá đạt trên 50%. Song, chỉ có Bộ Công thương đồng tình, còn Bộ Tài chính thì không. Trong khi ở các nước khác, nếu tỷ lệ nội địa hoá tăng, thuế sẽ được giảm.
Khát vọng thương hiệu
Chia sẻ về chiến lược gia nhập lĩnh vực ô tô xe máy của Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Tập đoàn khẳng định, sự ra đời của VINFAST thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt.
Thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác – Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đây liệu có phải là một sự mạo hiểm của Vingroup khi mà, đã có rất nhiều DN bước chân vào lĩnh vực này đều chịu thất bại?
Thừa nhận sự tham gia của Vingroup vào lĩnh vực ô tô rất đáng hoan nghênh, tạo một lực đẩy để giấc mơ ô tô Việt được hồi sinh, song chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong 10 năm qua, ngành ô tô nước nhà vẫn ì ạch với mục tiêu nội địa hóa.
Và đến thời điểm này mới chỉ nâng tỷ lệ nội địa lên được 20% thì việc đặt ra kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% của Vingroup chỉ trong vòng vài ba năm là câu chuyện không hề đơn giản.
GS TSKH Phạm Văn Lang, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng rất hoan nghênh sự tham gia của Vingroup vào lĩnh vực ô tô.
Song ông Lang cũng bày tỏ lo ngại, trong tình hình công nghiệp phụ trợ hiện nay của Việt Nam, để thực hiện mục tiêu 60% tỷ lệ nội địa hóa thực sự rất khó khăn.
Ông Lang cũng khuyến cáo, quyết tâm là một mặt, mặt khác, Vingroup nên bắt tay vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy cũng nên đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các DN cùng lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy trong nước. Nếu chỉ một mình tự làm trong lĩnh vực này thì rất khó có thể thành công.