Giảm nghèo vùng Tây Bắc: Giảm chính sách cho không

Khanh Lê 06/09/2017 08:45

Bộ LĐTB&XH cho hay, hết năm 2016, cả nước có 31.212 hộ tái nghèo, đồng thời phát sinh thêm 153.537 hộ nghèo. Các tỉnh miền núi Tây Bắc vẫn đứng tốp đầu về số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh.

Tỷ lệ nghèo vùng Tây Bắc vẫn thuộc top cao.

“Top” đầu tái nghèo

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng.

Nhờ đó, công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn 15% vào cuối năm 2015, bình quân giảm gần 4%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015, bình quân giảm khoảng 6%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3 - 5% mỗi năm, đạt mục tiêu đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo” của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 vẫn ở mức cao nhất cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo.

Trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 49,98% hộ nghèo và 12,26% hộ cận nghèo; trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a có 46,56% hộ nghèo và 14,09% hộ cận nghèo.

Ngày 22/6/2017, Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 tại Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH. Theo đó, hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 8,23%, giảm gần 2% so với năm 2015.

Đáng chú ý, theo kết quả rà soát của Bộ LĐTB&XH thì tình trạng “ra 3 vào 1” trong giảm nghèo vẫn tái diễn. Thậm chí, thoát nghèo rồi tái nghèo có xu hướng trầm trọng hơn khi một số địa phương “ra 1 vào 2”, tập trung ở khu vực miền núi Tây Bắc.

Cụ thể, trong 31.212 hộ tái nghèo năm 2016 của cả nước thì 4 tỉnh miền núi Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) đã có 11.956 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 38,3% số hộ tái nghèo của cả nước.

Còn số hộ tái nghèo của khu vực miền núi Đông Bắc chỉ có 1.107 hộ, đồng bằng sông Hồng 7.744 hộ, Bắc Trung Bộ 6.226 hộ, duyên hải miền Trung 2.475 hộ, Tây Nguyên 832 hộ, Đông Nam Bộ 156 hộ, đồng bằng sông Cửu Long 716 hộ.

Trong khi đó, số hộ nghèo phát sinh trong năm 2016 của khu vực miền núi Tây Bắc lại chỉ đứng thứ 3 trong 8 khu vực theo sự phân định của Bộ LĐTBXH.

Cụ thể, hết năm 2016, 4 tỉnh miền núi Tây Bắc có 17.486 hộ nghèo phát sinh, cao hơn khu vực duyên hải miền Trung (12.402 hộ) và khu vực Đông Nam Bộ (4.538 hộ). Còn các khu vực khác, số hộ nghèo phát sinh lại rất cao.

Cao nhất là miền núi Đông Bắc (26.182 hộ), kế đến là đồng bằng sông Hồng (24.413 hộ), Bắc Trung Bộ (23.406 hộ), Tây Nguyên (22.663 hộ), đồng bằng sông Cửu Long (22.447 hộ).

Như vậy, số hộ nghèo phát sinh của 4 tỉnh Tây Bắc không cao hơn so với các khu vực khác, nhưng số hộ tái nghèo lại dẫn đầu. Điều này cho thấy việc giảm nghèo ở 4 tỉnh này thực sự thiếu bền vững.

Cải thiện môi trường thu hút đầu tư từ bên ngoài

Thực tế cho thấy Tây Bắc là một trong những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất ở nước ta.

Đây đồng thời cũng là khu vực có địa hình hiểm trở, bị chia cắt, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sản xuất và đời sống khó khăn do chịu nhiều tác động của thiên tai, kết cấu hạ tầng còn yếu kém và chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là người dân ít có cơ hội được tiếp cận thông tin, hạn chế về trình độ dân trí, thiếu việc làm và việc làm thường chỉ đạt năng suất thấp, giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu…

Đánh giá về công tác giảm nghèo tại các địa phương vùng Tây Bắc, đại diện Bộ LĐTB&XH thẳng thắn chỉ ra: Bên cạnh những nguyên nhân về địa hình, dân trí thì chính sự ỷ lại dựa vào nguồn lực sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa khơi dậy nội lực của địa phương, của người dân.

Chính vì thiếu nội lực nên thoát nghèo rồi lại tái nghèo trở thành câu chuyện không mới trong các năm qua. Đứng trước thực tế này Bộ LĐTB&XH cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cho triển khai một số nhiệm vụ như: Điều tra, đánh giá hiệu quả việc thực thi các chính sách, giảm mạnh cơ chế cho không đồng thời hỗ trợ cơ chế cho vay để đầu tư các công trình thiết yếu; Tập trung giải quyết 6 trục giao thông chính trong vùng, tạo sự kết nối các tuyến đường mang tính xương cá, chia cắt địa hình phức tạp.

Tuy nhiên, để Đề án thực sự có hiệu quả, các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế trong từng lĩnh vực, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng, tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu lao động; Triển khai có hiệu quả hai Chương trình Mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo và Nông thôn mới, tái cơ cấu nông thôn, nông nghiệp, tập trung tích tụ đất để phát triển sản xuất và các mô hình liên hợp tác xã kiểu mới; Tập trung đào tạo bền vững nguồn nhân lực; Khuyến khích, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc thông qua gói tín dụng thương mại nhằm thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động.

Khanh Lê