Mặt trận tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo
Phát biểu tại Hội thảo về Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay, các nhà khoa học nhấn mạnh các hoạt động và nội dung công tác cụ thể của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tăng cường, vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo.
Ngày 6/9, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong những năm vừa qua, đa số cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội…. đã quan tâm đến công tác vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo, phát triển đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào có đạo.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng đã từng bước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phát động đã thu hút đông đảo đồng bào các tôn giáo tham gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay; qua đó, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quang cảnh hội thảo.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Thông qua hoạt động thực tiễn, Mặt trận cần chọn lựa những vấn đề sát sườn nhất để phản biện những chủ trương, chính sách sắp ban hành, đồng thời khuyến khích các tôn giáo chủ động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước cho phù hợp.
TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, muốn tăng cường đoàn kết các tôn giáo cần thực sự đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người; giải quyết hợp lý nhu cầu hội nhập xã hội của các tổ chức tôn giáo hiện nay, đồng thời cần có các biện pháp cụ thể để giải tỏa các thành kiến, mặc cảm do quá khứ và lịch sử để lại trong một bộ phận chức sắc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo.
Trong khuôn khổ hội thảo, một số đại biểu cũng đề nghị cần bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức cho lực lượng cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị ở các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác vận động đồng bào tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận phải làm cầu nối, là khâu trung gian để tổ chức đối thoại giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo. Đây là việc làm phù hợp với vai trò, vị trí của Mặt trận là tổ chức đại diện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng tình với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong báo cáo đề dẫn, ông Trần Đình Phùng, nguyên Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, chúng ta cần triển khai tích cực hơn nữa để Luật tín ngưỡng, tôn giáo sớm đi vào cuộc sống, để có thể phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Đại diện các nhà nghiên cứu về tôn giáo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tình với các nội dung đề ra trong báo cáo đề dẫn, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động và nội dung công tác cụ thể của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tăng cường, vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay.
Tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự hội nghị, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, mục đích của hội thảo là để trao đổi, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến công tác tôn giáo để Mặt trận kiến nghị với Đảng, Nhà nước đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Những ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu hoàn chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.