Người nghèo vẫn 'khát' vốn
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức tọa đàm trực tuyến Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách – Cánh tay nối dài trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo. Tại cuộc tọa đàm, nhiều chuyên gia và nhà quản lý thêm một lần nữa khẳng định, nhiều hộ nông dân khát vốn để sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu vay vốn của nông dân hiện nay rất lớn. (Ảnh: Song Giang).
Nhu cầu lớn
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân – Hội nông dân Việt Nam cho biết, đến hết tháng 7/2017, Hội đang quản lý 60.633 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 2,1 triệu hội viên. Dư nợ 23 chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua Hội đạt 52.850 tỷ đồng. Thế nhưng ông Thắng cũng thừa nhận, nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách rất lớn.
Cụ thể hộ cận nghèo và vay vốn giải quyết việc làm của người khuyết tật, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các làng nghề, hội viên có hoàn cảnh khó khăn… đều đang khát vốn ưu đãi. Ông Thắng phân tích, muốn thoát nghèo thì phải có thu nhập, mà muốn có thu nhập thì phải thực hiện sản xuất kinh doanh, có việc làm.
Sản xuất kinh doanh trong đó việc trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều phải mua giống, phân bón, thức ăn hay vật tư khác. Hộ nghèo, hộ chính sách phần nhiều rất thiếu tiền từ chi tiêu thiết yếu đến sinh hoạt thường nhật, do đó vốn để mua giống, vật tư cho trồng trọt chăn nuôi… lại càng thiếu. Họ rất khó khăn trong việc vay vốn ở cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Quân chủ một hợp tác xã ở xã Thụy An, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết, chúng tôi đang vận động xã viên trồng rau sạch. Tuy nhiên thành viên hợp tác xã không biết có chương trình hỗ trợ giúp đỡ nông dân đầu tư sản xuất sạch hay không? Nếu vay tiền theo nhóm, chúng tôi cần có những tài sản nào để thế chấp hoặc thủ tục vay theo nhóm ra sao?
Theo bà Hồ Lan Hương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo Ngân hàng Chính sách xã hội thì theo quy định hiện hành là cho vay thông qua hộ gia đình. Hộ gia đình cử người đại diện có đủ năng lực hành vi dân sự đứng ra vay vốn; đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình (kể cả hộ độc thân) thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có phương án sản xuất, kinh doanh thì đều được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh các loại ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Tiếp tục gỡ khó
Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, đặt trong bối cảnh quốc gia khởi nghiệp, nhu cầu tiếp cận vốn của thanh niên rất lớn. Đặc biệt thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi hiện vẫn còn tình trạng chưa được tiếp cận nhiều thông tin để tư vấn vay và sử dụng vốn hiệu quả.
Bên cạnh đó, vốn ưu đãi mặc dù lãi suất thấp, nhiều thuận lợi nhưng thanh niên vẫn khó vay được vốn do vướng mắc. Phần lớn kiến nghị cho rằng, ngân hàng có thể nghiên cứu và xem xét nới lỏng một số quy định về tài sản thế chấp, sự bảo lãnh của gia đình và tạo điều kiện cho thanh niên vay với số tiền nhiều hơn để mở rộng phát triển kinh tế.
Cũng theo bà Hồ Lan Hương, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách đều thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục và quy trình cho vay đã được đơn giản đến mức tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Theo quan điểm PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn của người vay, các cấp hội cần chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, với các ngành nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư.. .đa dạng hóa các nguồn lực, thông qua các hoạt động hỗ trợ đồng bộ.