Nông dân bỏ ruộng ở Thanh Hoá - Kỳ cuối: Lối nào cho những cánh đồng hoang?

Nguyễn Chung 07/09/2017 08:35

Có nhiều ý kiến đưa ra nhằm giải quyết hiệu quả bài toán hàng nghìn ha đất cấy lúa đang bị bỏ hoang. Nghe ra đều có lý, song trước thực tế, đất nông nghiệp đã giao ổn định lâu dài tới từng nhân khẩu thì việc cơ cấu lại đồng ruộng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu như không nhận được sự đồng thuận của người sử dụng đất.


Cần tạo ra những cánh đồng chuyên canh lúa năng suất, chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp.

Thiếu tính khả thi

Đâu là lời giải cho bài toán nông dân bỏ ruộng? Chúng tôi tìm đến một số địa phương ở Thanh Hoá là nơi có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, hoặc đang manh nha “chán” nghề nông thì nhận được không ít ý kiến được xem là “kế sách” để các ngành chức năng tham khảo, đưa ra quyết định tối ưu nhất. Tựu trung nhằm vào mấy vấn đề chính, bao gồm: Tích tụ ruộng đất thông qua hình thức dồn điền, đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây nông nghiệp mang tính hàng hóa, chất lượng cao. Đồng bộ hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp. Nắm vững quy luật thị trường, ổn định đầu ra cho các sản phẩm, tránh tình trạng rủi ro theo dạng “được mùa mất giá” và ngược lại đối với bà con nông dân…

Nói về vấn đề này, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Chính sách khoán 10, khoán 100 của Nhà nước ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền nông nghiệp. Từ một quốc gia luôn phải nhận trợ cấp lương thực của các nước bạn, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã vươn lên thành một cường quốc về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này các chính sách trên đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình. Đây đang là giai đoạn quá độ để bước sang thời kỳ mới, một cuộc thay đổi mang tính cách mạng trong suy nghĩ của những người làm nông nghiệp. Và chúng ta đã đặt câu hỏi: Vì sao lúa gạo của Thái Lan, của Campuchia luôn đắt hơn gạo Việt chưa? Lúa gạo cũng như các sản phẩm từ nông nghiệp của họ luôn được chú trọng về chất hơn là về lượng, trong khi chúng ta chưa làm được việc này!

Để giải quyết tình trạng người nông dân bỏ ruộng, về lâu dài chúng ta phải tiếp tục làm cho được, làm quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Nếu chúng ta không có được mảnh thửa lớn thì không thể sản xuất lớn, không sản xuất lớn thì không thể đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào. Như vậy tất yếu, chúng ta không thể tạo ra các sản phẩm mang tính quy mô hàng hóa, chất lượng cao. “Đặc biệt, phải quan tâm đến chính sách khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chính sách hỗ trợ khi thiệt hại do thiên tai để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất... Một khi đã hoàn thành được các mục tiêu này, đương nhiên giá trị các sản phẩm làm ra từ nông nghiệp sẽ có chất lượng hơn, người nông dân có thể làm giàu trên chính đồng đất của mình. Lúc ấy, “tấc đất” sẽ thực sự là “tấc vàng””- ông Tuấn nhận định.

Bàn về lối thoát cho những “cánh đồng hoang”, ông Hoàng Trọng Cường – Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao cho biết: Với hơn 20ha đất nông nghiệp đang bị người dân bỏ hoang, chính quyền xã đưa ra phương án để giải quyết cụ thể trong năm 2018. Hiện tại, xã đã xin chủ trương dồn thôn (từ 16 thôn hiện tại xuống còn 8 thôn), đẩy mạnh và hoàn thiện công tác dồn điền đổi thửa, từ đó tạo ra những cánh đồng chuyên canh lúa năng suất, chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp đầu mối, tạo sự ổn định đầu ra cũng như trong các khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm giúp người nông dân.

Còn nhiều vướng mắc

Có thể thấy, nếu cứ đem áp dụng và triển khai hiệu quả các giải pháp như vừa nêu ở trên thì việc giải quyết triệt để những tồn tại quanh câu chuyện người nông dân chán ruộng sẽ rất đơn giản và kết quả khả quan đạt được chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất thông qua các hình thức vận động, thu hồi theo luật định không hề đơn giản như chúng ta vẫn tưởng. Ông Lê Văn Thiết – Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc cho rằng đang có một nghịch lý xảy ra gây nhiều khó khăn khi tiến hành dồn điền, đổi thửa trên địa bàn.

Đó là, trong khi người dân không còn mặn mà với đồng ruộng thì họ lại nhất quyết không cho mượn cũng như trả ruộng theo quy định của pháp luật vì 2 lý do. Thứ nhất, giữ ruộng để chờ được đền bù đất với giá cao nếu có dự án vào quy hoạch. Thứ hai, họ vẫn muốn giữ lại phần đất nông nghiệp được chia theo quy định như một nguồn tài sản làm vốn để dành cho con cháu phòng khi sa cơ, lỡ vận còn có cái cần câu cơm để bấu víu. Chính vì những lý do này khiến người dân không hưởng ứng, hoặc hưởng ứng không nhiệt tình với chủ trương dồn điền đổi thửa của chính quyền. “Biện pháp tiếp theo, Tiến Lộc vận động bà con cho HTX dịch vụ nông nghiệp thuê lại đất sản xuất có thời hạn. Sau nhiều cuộc vận động, có đến 90% người dân trong xã đồng ý. Tuy nhiên, chỉ với 10% còn lại bị người dân phản ứng quyết liệt dẫn đến phương án này cũng rơi vào thảm cảnh “thất bại toàn tập”- ông Thiết nói.

Cũng theo ông Thiết thì chính quyền xã Tiến Lộc tiếp tục nỗ lực đưa ra bàn bạc nhằm thực hiện phương án thu hồi đất bỏ hoang theo luật định. Nhưng với thực trạng người dân cả xã bỏ ruộng, biện pháp có phần cứng rắn này có thể sẽ gặp phải những phản ứng tiêu cực từ phía người dân, thậm chí có thể tạo thành “điểm nóng”, khiến chính quyền xã chưa dám triển khai. Ông Thiết tỏ ra bất lực: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề ở Tiến Lộc hiện nay là kêu gọi các doanh nghiệp vào đứng chân trên địa bàn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất có đền bù. Đồng thời tiến hành bổ sung phương án quy hoạch sử dụng đất. Đưa một phần diện tích mà người dân đang bỏ hoang vào quy hoạch làng nghề, đất ở và đất dịch vụ. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng tại đây. Tuy nhiên, để làm được điều này, địa phương cũng cần có thời gian”.

Để thay lời kết cho loạt bài viết này bằng ý kiến của ông Trần Anh Chung – Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn đưa ra, rằng: Hiện nay, vấn đề người nông dân bỏ ruộng đang dần trở nên phổ biến trên địa bàn cả nước. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại cho nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cả trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, chúng ta cần có cái nhìn cụ thể, đánh giá đúng bản chất, đưa ra được những quyết sách hiệu quả. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của cả hệ thống chính trị chứ không thể xem đây là chuyện riêng của các bộ ngành liên quan đến ngành nông nghiệp.

Nguyễn Chung