Chống tham nhũng chưa có giải pháp đột phá

Việt Thắng 07/09/2017 08:30

Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 và cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng đánh giá về tình hình tham nhũng còn chưa sát, nguyên nhân chung chung, giải pháp không mang tính đột phá.


Vụ án tham nhũng lớn đã bị đưa ra xét xử.

Xử lý quá ít

“Thống kê hàng triệu đảng viên kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm là không nói lên được điều gì”- ĐB Vũ Trọng Kim, Ủy viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề đồng thời cho rằng: “Năm 2017 chỉ xử lý 25 người đứng đầu là chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Tham nhũng tràn lan, dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng, kể cả cán bộ công chức nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để cho tình trạng tham nhũng ở cơ quan xảy ra. Đây là con số không thể nào tin được”. Cũng theo ông Kim, Tổng Bí thư đang chỉ đạo rất quyết liệt việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả không rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm trời không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, qua các vụ việc tham nhũng lớn nổi lên một số vấn đề như: Việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả; đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan.

Ông Vương cũng cho rằng, tội phạm tham nhũng vẫn còn. Muốn giảm, ngăn chặn được trước hết là quản lý tài chính, xem xét lại vấn đề đất đai. Xu thế hiện nay đang tập trung công khai, minh bạch, để được giám sát chặt chẽ, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Còn ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhìn nhận, báo cáo chưa bắt nhịp được tình hình. Trung ương đang quyết tâm, Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt, còn người dân tin tưởng và kỳ vọng. Nhưng nguyên nhân lại chung chung, giải pháp không đột phá, đánh giá không sát, không có địa chỉ. “Không xử được người đứng đầu thì đấu tranh chống tham nhũng không hiệu quả”- ông Học bày tỏ.

Vẫn đi vào “ngõ cụt”

Cùng ngày, Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Dự án Luật lần này tiếp tục xác định nhiệm vụ chính là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, không thể tham nhũng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Trình bày báo cáo ý kiến của nhóm nghiên cứu về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứu tán thành với các quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cần bổ sung quan điểm sửa đổi phải bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật trên cơ sở căn cứ vào kết quả tổng kết thi hành Luật, đồng thời kế thừa những quy định của Luật hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp. Theo đó, cần phân tích, đánh giá chính xác những hạn chế, yếu kém nào trong công tác phòng chống tham nhũng là do bất cập trong các quy định của luật; những hạn chế nào là do khâu tổ chức thực hiện để từ đó có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tránh việc sửa đổi, bổ sung tràn lan, không cần thiết.

Theo ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), nên thu hẹp đối tượng phải công khai tài sản. Ví dụ như các đối tượng ở các hội, đoàn thể chính trị. Hay như đối tượng cán bộ cấp xã. Nếu yêu cầu đến tất cả cán bộ cấp xã thì quá rộng.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng, khó nhất của phòng chống tham nhũng là kiểm soát. Ở các nước có việc kiểm soát tài sản vì tham nhũng là tội phạm “ngầm”. Khi dịch chuyển tài sản họ biết ngay. Còn ta xây dựng Luật trong điều kiện Nhà nước không kiểm soát được tài sản, còn kê khai nhưng cũng không kiểm soát được. Kê khai tài sản mở rộng đối tượng là vô cùng bất cập, làm rất hình thức.

“Các vụ án tranh chấp tài sản điều tra đi, điều tra lại còn không làm được. Giờ giao cho mấy anh tổ chức cán bộ không có chuyên môn làm là vấn đề không tưởng. Cơ chế này quá lỗi thời không phù hợp với Nhà nước pháp quyền. Việc kiểm soát tài sản tăng lên chỉ làm được ở những nhà nước kiểm soát được tài sản. Còn tài sản tăng lên ta có thu được không, có xử lý được không thì dự án Luật này cũng bỏ ngỏ. Cho nên vẫn đi vào đường cụt của cơ chế hiện hành”- ông Quyền phân tích, từ đó đề nghị, để phòng ngừa cần tập trung vào công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, thanh toán qua ngân hàng.

Giải trình về Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết: Từ cuối năm 2016 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân. Qua đó cũng có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. “Kết quả tích cực trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng chính là những dấu hiệu, chỉ báo về xu hướng giảm của tình hình tham nhũng trong thời gian tới”- ông Huẩn bày tỏ.
“Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng đã có đánh giá tích cực hơn về thực trạng tham nhũng của Việt Nam khi ngày 25-1-2017 công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2016, trong đó Việt Nam tăng 2 điểm sau 4 năm liên tiếp bị giữ nguyên ở mức 31/100 điểm. Đây cũng là thông tin tham khảo quan trọng để Chính phủ dự báo rằng công tác phòng, chống tham nhũng có thêm dấu hiệu giảm”- ông Huẩn cho hay.

Việt Thắng