Phát huy công cụ giám sát của nhân dân
Các hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (BTTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật, nhất là thực hiện các quy định về quản lý đầu tư tại cơ sở đã rõ nét hơn, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí...
Ảnh minh họa.
Hiện toàn tỉnh có 145 Ban TTND, 145 Ban GSĐTCCĐ. Qua giám sát Ban TTND đã phát hiện 765 vụ việc, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu về cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, hàng trăm ngàn mét vuông đất... Đặc biệt, giúp chính quyền cơ sở khắc phục được những thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước.
Theo ông Phạm Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình, trong nhiều năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương ngày càng phức tạp do sự phát triển về kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh. Việc tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng cũng có nhiều dấu hiệu nóng. Tuy nhiên việc giám sát của Ban TTND đã góp phần tích cực vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Nhiều địa phương chính quyền còn mời Ban TTND cùng tham gia tiếp dân giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh tiêu cực, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Đối với các hoạt động GSĐTCCĐ, từ khi thành lập đến nay, Ban giám sát các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiến hành giám sát 1.264 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư; ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng…
Điển hình như Ban GSĐTCCĐ phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình đã giám sát xây dựng nhà văn hoá phố Mía, nhà văn hoá phố Bình Yên Tây. Qua giám sát đã phát hiện trong thi công phần móng và nhiều hạng mục công trình không đạt yêu cầu. Ban GSĐTCCĐ đã kiên quyết yêu cầu bên chủ đầu tư thực hiện theo đúng thiết kế. Hay như Ban GSĐTCCĐ xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư cũng đã tiến hành giám sát 5/7 công trình xây dựng trên địa bàn xã. Trong quá trình giám sát đã phát hiện những sai phạm trong quá trình thi công không đúng như hồ sơ thiết kế, yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ xây lại để đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật….
“Ban GSĐTCCĐ đã thật sự là công cụ để nhân dân ở xã, phường, thị trấn thực hiện quyền giám sát các công trình xây dựng tại địa phương. Nhiều nơi, Ban GSĐTCCĐ cũng đã cử thành viên trực tiếp giám sát quá trình xây dựng các công trình ở xã như: Xây dựng đường giao thông nông thôn, trạm y tế, nhà trẻ, mẫu giáo... Trong quá trình giám sát, nhiều thành viên Ban GSĐTCCĐ đã có trách nhiệm rất cao khi được nhân dân giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, phát hiện những việc làm trái pháp luật của nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công...”, ông Phạm Đăng Nguyên chia sẻ.
Hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã được nhân dân ủng hộ, các cấp uỷ đảng, chính quyền đánh giá cao. Tuy nhiên, trong hoạt động các Ban giám sát cũng gặp không ít khó khăn do một số địa phương chưa thật sự coi Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ như một công cụ giám sát của nhân dân, trong khi giám sát các công trình đầu tư xây dựng là một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi người giám sát phải có trình độ chuyên môn sâu. Tuy nhiên, hầu hết thành viên Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ hiện nay chủ yếu chỉ có lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Phạm Đăng Nguyên, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động giám sát nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cũng sẽ chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả.