Hồi sinh nghề biển

Hạnh Nguyên 08/09/2017 09:30

Vùng biển Hà Tĩnh đang hồi sinh từng ngày, điều này giúp cho hàng vạn ngư dân thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh… từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Con số thống kê của Chi cục thuỷ sản Hà Tĩnh cho thấy, 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác hải sản trên biển của toàn tỉnh đạt 16.715 tấn, thu về tổng giá trị trên 435,6 tỷ đồng, tăng hơn 168% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn lợi khai thác trên biển hồi sinh mạnh mẽ.

Niềm vui nơi chân sóng

Khác với những năm trước, đến độ tháng 7 (âm lịch), hoạt động đánh bắt hải sản ở khúc ruột miền Trung này thường xuyên bị gián đoạn do hay bão. Năm nay thời tiết thuận lợi và nhất là sau khi nhận được tiền bồi thường, người dân tập trung tái đầu tư tiếp tục sản xuất, vì thế sản lượng hải sản tăng lên.

Có mặt tại cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) khi mặt trời chưa nhô khỏi biển, chúng tôi chứng kiến hàng trăm tàu, thuyền vừa cập bến với những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm. Trong cảng, tiểu thương buôn bán hải sản đứng đợi sẵn để săn hàng. Mỗi khi có chiếc thuyền nào cập bến, các tiểu thương lại tấp nập mua bán khiến cả một vùng biển trở nên tấp nập.

Ngư dân Tôn Đức Vinh, trú thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng là chủ chiếc tàu vỏ thép HT 96719 TS công suất 829CV cho biết: Từ khi hạ thủy (tháng 3-2017) đến nay, tàu của anh đã cho lãi ròng 800 triệu đồng. Riêng chuyến tàu vừa cập cảng, anh Vinh cùng các thuyền viên đi 7 ngày và đánh được gần 1 tấn hải sản, chủ yếu là cá thu trồi có mức giá thu mua 180.000đ/kg. Tàu vào bờ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tất cả số cá do anh Vinh cùng các bạn nghề đánh bắt về đã được thương lái thu mua hết.

“Với con tàu vỏ thép này, chúng tôi tự tin ra khơi đánh bắt. Bước đầu, các thuyền viên được trả lương 10 triệu đồng/tháng. Tôi đang tiếp tục đăng ký vay vốn theo Nghị định 67/CP để đóng thêm con tàu mới”- anh Vinh chia sẻ.

Xã Cẩm Nhượng có 248 tàu thuyền, trong đó có tới 80 tàu công suất từ 90CV trở lên. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay ngư dân xã này đã đóng mới 13 tàu công suất lớn.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng hải sản thu được của toàn xã là 2.600 tấn mang về tổng nguồn thu trên 145 tỷ đồng, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm khoảng 35%, vượt xa so với tổng sản lượng đánh bắt của cả năm 2016.

Ông Huyền nói: “Năm nay, xã phấn đấu đạt sản lượng đánh bắt khoảng 3.800 tấn. Do việc khai thác hải sản đạt hiệu quả cao nên hiện trong xã đang có thêm 3 ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67”.

Tương tự, tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cũng tấp nập không kém cảng Cửa Nhượng. Trên bến, dưới thuyền người kín như nêm. Chủ tàu cá HT 90329 TS, công suất 250CV Trần Văn Lộc (50 tuổi) cho biết: Ông cùng ba bạn nghề ra khơi từ chiều hôm trước, chỉ trong một đêm, 4 lao động đánh được 1 tạ tôm, 2,5 tạ cá, thu về 20 triệu đồng. Ông Lộc hưởng một nửa, còn lại chia cho 3 bạn thuyền, mỗi người được hơn 3 triệu đồng sau một đêm đi làm.

Ông Lộc chỉ tay về mấy con tàu lớn, nói: “Mấy chiếc đó đi câu khơi, trúng đậm cá ngừ, có con nặng tới 30kg. Nhập hàng xong, họ lên bờ đi uống bia ăn mừng rồi”...

Chú trọng vươn khơi

Để hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn khơi, bám biển, ngày 18-8-2017 chính quyền xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên quyết định thành lập Tổ khai thác hải sản xa bờ Cẩm Nhượng. Tổ có 6 tàu công suất từ 250 CV trở lên với 35 lao động, do chủ tàu vỏ thép Tôn Đức Vinh làm tổ trưởng.

“Tổ hoạt động với mục đích hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm kiếm cứu nạn, vừa khai thác hải sản xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi thành lập tổ nhằm giúp ngư dân đoàn kết nhau lại, hoạt động một cách chuyên nghiệp”- Tổ trưởng Vinh nói.

Hiện nay, tại các vùng biển của Hà Tĩnh, ngư dân đang dần thay đổi thói quen sản xuất. Ngư dân Trần Thế Cậy (52 tuổi), trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà cho hay: Sau sự cố môi trường, ông cùng anh trai chung nhau đóng chiếc tàu 285CV hết 850 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng.

“Chúng tôi mạnh dạn đầu tư tàu lớn để đi khơi. Giờ nói thật, mỗi chuyến đi biển cũng kiếm được kha khá, đỡ phần vất vả”- ông Cậy trải lòng.

Ngư dân Mai Công Đợi (35 tuổi), trú xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (chủ tàu cá 420CV) tâm sự: Anh được bồi thường 210 triệu đồng sau sự cố môi trường. Khoản này anh thanh toán cho 5 lao động làm việc trên tàu mỗi người khoảng 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh Đợi góp vào phần vốn tích góp từ nhiều năm trước và quyết tâm đăng ký đóng tàu vỏ thép để vươn khơi.

Chiếc tàu 420CV cũ, anh Đợi giao lại cho mấy người em đi biển, thi thoảng anh mới đi cùng. “Khoảng 5 tháng nay, tôi có mở dịch vụ cung cấp dầu cho tàu thuyền ở cảng cá Kỳ Lợi. Cũng may được chính quyền tạo điều kiện cấp mặt bằng cho làm địa điểm kinh doanh. Tôi tính, vợ lâu nay làm nghề buôn bán cá cũng vất vả, cho vợ chuyển sang làm dịch vụ cấp dầu sẽ tốt hơn. Con đứa đầu giờ cũng học lớp 6 rồi, ít năm nữa nó có thể phụ giúp được mẹ càng tốt”- anh Đợi cho hay.

Nói về tình hình khôi phục sản xuất của nghề biển, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh cho biết: 8 tháng đầu năm nay ,đánh bắt hải sản tăng mạnh so với năm trước. Trong đó, việc khai thác ven bờ đạt tỷ lệ hồi phục trở lại từ 65 - 70%; khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt tỷ lệ từ 85 - 90%.

Hạnh Nguyên