Phản đòn khi bị chồng đánh, chiêu may rủi của các bà vợ

Theo VNE 08/09/2017 16:15

Tát vợ xong, thấy chị vác ngay chiếc ghế đẩu phang mình, chồng chị Thuận khựng lại và không kịp né vì quá bất ngờ.


(Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ).

Nhìn bề ngoài, ít ai ngờ chị Thuận, trưởng phòng một công ty kinh doanh thiết bị điện tử tại Hai Bà Trưng, Hà Nội từng nhiều lần bị chồng đánh. Chồng chị - một giảng viên đại học - vốn khá chiều vợ con, nhưng mỗi lần nổi khùng là sẵn sàng tát, đấm vợ. Lần đầu sững sờ, vài lần sau thì đau đớn, tủi thân, chị Thuận chỉ biết cố co lại tránh đòn. Nhưng lần gần đây nhất, không thể nhịn nổi khi anh tát nảy đom đóm mắt chỉ vì vợ không đồng ý về quê, chị đã vớ luôn chiếc ghế đập lại.

"Tôi cũng hơi hoảng khi thấy anh ấy khựng lại, ôm mặt vì chảy máu nhưng tôi vẫn nói rắn 'còn muốn ở với nhau, muốn được coi là chồng thì bỏ ngay trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay đi'", chị Thuận kể. Sau lần đó, chồng chị bảo không thể ngờ vợ hung hãn như vậy và anh không dám ra khỏi nhà suốt 2 ngày vì vết rách trên mặt.

"Tôi cũng nói rằng mình bao lần đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần khi bị anh đánh. Nếu thực sự yêu thương nhau thì vợ chồng đừng dùng nắm đấm. Còn nếu đã chẳng còn tình nghĩa gì thì chấm dứt", chị nói. Từ đó tới nay đã 2 năm, chồng chị Thuận không dùng bạo lực với vợ nữa.

Trong một hội nhóm trên Facebook gần đây, một bà mẹ trẻ được nhiều chị em cổ vũ khi chia sẻ tình huống mình đã phản công lại khi bị chồng bạo hành.

Kèm theo lời chia sẻ "Mấy lần trước chồng tát em, em không đánh lại. Lần vừa rồi lại tát, em điên quá bật luôn", người vợ còn đưa ảnh gương mặt chồng hằn vài vết rách do mình cào lại. Dù vậy, chị vẫn băn khoăn "Vào hoàn cảnh này mọi người có bật lại không? Em làm vậy có láo không?".

Dưới bài đăng này, nhiều chị em trong nhóm bày tỏ sự khích lệ "đánh chồng không có gì là láo cả vì bị đánh mà không bật lại thì lần sau sẽ bị đánh tiếp", hay cổ vũ "giỏi quá" hoặc "đánh thế là nhẹ đấy"...

Tuy nhiên, cũng không ít người vợ kể rằng việc phản lại đòn chồng không có tác dụng, thậm chí khiến họ bị đánh đau hơn.

"Lần đầu tiên bị tát mình bật lại luôn và chồng quay ra đánh tiếp", một thành viên nhóm tên Thu Hường chia sẻ. Trường hợp khác, chị Trúc Mai cho biết, lấy chồng 6 năm thì chị bị đánh tới 60 trận và luôn cố nín nhịn. Lần cuối cùng bật lại thì bị nện đau hơn, tới chảy máu tai. Các trận đòn chỉ kết thúc khi chị quyết định ly hôn.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Tuyết Anh, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội), thực tế, có một số nam giới khi thấy vợ phản đòn đã chùn tay, thậm chí không dám dùng bạo lực nữa. Đó có thể vì trước nay họ dùng quyền lực và nghĩ rằng đó là cách tốt để dạy vợ khi thấy người phụ nữ không dám phản ứng lại. Nay vợ vùng lên, họ bất ngờ và thấy việc dùng bạo lực không làm vợ khuất phục nên dừng lại. Tuy nhiên, nếu việc này tái diễn lần 2, 3 thì khó kiểm soát được hoặc trong trường hợp người chồng đang điên tiết thì có thể đánh mạnh hơn vì sẵn có tâm lý hơn - thua.

"Tôi không ủng hộ cách dùng bạo lực chống bạo lực bởi nó thường không mang lại hiệu quả, thậm chí đẩy tình huống leo thang tới mức nguy hiểm", chị Tuyết Anh nói. Theo chị, tốt nhất, chị em nên cố gắng dập lửa từ trước khi bùng lên, tránh tranh cãi khi nóng giận, tìm nơi an toàn để bảo vệ bản thân và nhờ tới sự trợ giúp từ bên ngoài. Vợ chồng cố gắng nói chuyện với nhau để tìm ra giải pháp khi cả hai thực sự bình tĩnh.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình, giám đốc Văn phòng tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội) cho rằng, có những người chồng thấy vợ phản kháng đâm ra sợ, nhưng đó không phải là số nhiều, không phải là giải pháp cho mọi người và cũng không thể áp dụng thường xuyên.

"Phần lớn phụ nữ là chân yếu tạy mềm, khó có thể thắng được đàn ông nếu 'chiến đấu' bằng sức. Ngoài bản năng tự vệ mà bất chấp vùng lên, hoặc phải dùng bạo lực để tự giải thoát ra hoàn cảnh nguy hiểm, về lâu dài, không nên lạm dụng và coi việc đánh lại chồng là phương thuốc tối ưu để giải thoát cho mình vì bạo lực thường nối tiếp bạo lực và kể cả không thì nếu lạm dụng sẽ tạo ra các phản ứng phụ", ông Bình bày tỏ.

Theo ông, nếu cực chẳng, phải chống trả, người phụ nữ nên chọn lúc đông người, có đồng minh bởi nếu nhà biệt lập, khóa kín hay đơn thân độc mã thì rất nguy hiểm.

Nhà tâm lý cho rằng đàn ông vũ phu thường chia làm hai nhóm. Thứ nhất là những người vốn có bản chất yếu đuối bên trong, dễ bế tắc, không cân bằng về tâm lý. Họ có thể thỉnh thoảng mới đánh vợ và vẫn giữ được giới hạn nào đó (không gây thương tích nặng). Với những người này thì sự phản kháng còn có tác dụng. Tuy nhiên, hiệu quả hơn là người vợ nên quan tâm xem những ức chế nào gây ra sự bộc phát bạo lực của chồng, có thể là các tổn thương thời thơ ấu, quan điểm sống, thói quen sinh hoạt, đồng thời xem bản chất thật của con người ấy là gì. Ngoài ra, chị em cũng nên xem lại mình, tìm cách giải quyết các vấn đề ở bản thân, tạo được sự hài hòa trong chính con người mình thì tự nhiên phía bên kia cũng sẽ giảm hoặc thôi bạo lực.

Nhóm thứ hai là những kẻ đánh vợ thường xuyên, dùng bạo lực như một thú vui, một cách thức giải tỏa cơn nghiện hành hạ thì đó là một dạng bệnh lý và việc người vợ phản đòn có thể còn khiến chồng hung hãn hơn.

Những chị em đã lỡ lấy phải người đàn ông vũ phu có thể nhờ tới sự trợ giúp của gia đình, đoàn thể, thậm chí pháp luật để răn đe. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các việc này cũng có hiệu quả nên nhiều người chỉ còn cách bảo vệ bản thân bằng cách ly hôn.

Theo VNE