Hy vọng cho tàu vỏ thép nằm bờ
Sáng ngày 8/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi đối thoại giữa các ngư dân và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, để thống nhất phương án sửa chữa 5 con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng phải năm bờ nhiều tháng nay.
Những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng sẽ được sơn lại và được các cơ quan giám sát chặt chẽ. (Ảnh tư liệu).
Chốt phương án khắc phục
Sau nhiều lần đối thoại bất thành và để thống nhất phương án sửa chữa đối với 5 con tàu vỏ thép do Cty Đại Nguyên Dương đóng bị hư hỏng, tỉnh Bình Định đã mời đơn vị độc lập từ TP HCM do hai chuyên gia về vật liệu kim loại - luyện kim là PGS TS Hoàng Trọng Bá và PGS TS Đặng Vũ Ngoạn đến để kiểm tra, đánh giá chất lượng vỏ thép của các tàu.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn thì đối với 4 con tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương chế tạo đều bị rỉ sét nặng, cả thân tàu, sàn tàu và các chi tiết khác trên tàu; các mối hàn xấu, xù xì, không được làm sạch ba vỉa và làm nhẵn theo đường hàn; có 1 tàu bị bung mối hàn (khoảng 1m đã được hàn lại), các lớp sơn phủ tàu không được đảm bảo chất lượng, độ bóng rộp rất nhiều vị trí…
Từ đó, ông Ngoạn kết luận, việc các tàu vỏ thép do Cty Đại Nguyên Dương đóng bị han gỉ nhiều, nguyên nhân chủ yếu không phải do vật liệu làm vỏ tàu, mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo quy định (bao gồm bảo vệ điện hóa và sơn phủ theo quy định cho tàu vỏ thép).
Việc thành phần Mn thấp hơn QCVN 21:2010/BGTVT có thể chấp nhận được do hai yêu cầu cơ bản của nhóm thép này là cơ tính và tính công nghệ đạt yêu cầu; Qua giám định, các phần thép được kiểm tra đều đạt cơ tính, kết quả siêu âm mối hàn đạt yêu cầu.
Vẫn theo PGS TS Đặng Vũ Ngoạn, nhất thiết phải có thiết kế và lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động cho vỏ tàu bằng điện hóa cho phần chìm dưới nước của tàu theo phương pháp bảo vệ Cattod hoặc acod.. và việc sơn vỏ tàu phải theo quy trình hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ mà đặc biệt là làm sạch gỉ, xử lý bề mặt trước khi sơn, chủng loại vật liệu sơn, công nghệ sơn.
Sàn tàu và các thiết bị trên boong tàu nên phủ epoxy theo quy định cho tàu biển vừa đảm bảo chống ăn mòn, mài mòn và chống trơn trượt.
Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cũng thống nhất với các chuyên gia về phương án sửa chữa phải có thiết kế và lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động vỏ tàu bằng điện hóa cho phần chìm dưới nước.
Việc sơn vỏ tàu phải theo quy định chặt chẽ, kiểm tra kỹ các mối hàn, khắc phục sửa chữa các mối hàn lỗi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Tại buổi làm việc, các ngư dân tỏ ra sốt ruột vì nhùng nhằng phương án sửa chữa. Ngư dân Mai Văn Chương (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS đồng ý với phương án chỉ sơn lại tàu.
Tuy nhiên, ông Chương yêu cầu phải có thời gian nhất định hoàn thành việc sửa chữa. Công ty đóng tàu phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân vì tàu hư hỏng nằm bờ, tính tiền chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và Trung Quốc cho ngư dân.
Trong khi đó, ngư dân Võ Tuân (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99018 TS bày tỏ bức xúc vì tàu của ông được kéo lên đà mới phun được 1 lớp sơn thì công nhân của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã kéo về hết.
Ông Tuấn cho rằng, nếu sửa chữa thì phải lập biên bản về thời gian hoàn thành chứ không thể kéo dài như hiện nay. Mùa mưa bão sắp đến mà tàu còn nằm bờ.
“Hai tháng qua tàu chỉ mới sơn được 1 lớp, nếu sơn đủ 5 lớp thì phải qua năm sau. Cứ đà này tôi phải trả lại tàu đi kiếm nghề khác chứ khổ quá rồi”- ông Tuân bức xúc.
Nhiều ngư dân khốn khó vì tàu phải nằm bờ.
Giám sát quá trình sửa chữa
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Cty Đại Nguyên Dương đã đồng ý những ý kiến về quy trình bảo quản cũng như đơn vị chuyên ngành đăng kiểm, đồng ý làm theo đúng quy trình giám sát và thống nhất phương án sửa chữa.
Qua ý kiến của chủ tàu Võ Tuân, “1 tháng trời chúng tôi cho gần 30 công nhân làm theo nguyện vọng 5 chủ tàu sửa chữa khắc phục, tôi nhất trí chỉ đạo cho công nhân viên làm công việc xong hơn 10 ngày nhưng hiện nay có vấn đề trục trặc về thời tiết, điện và khu vực Tam Quan đêm tối không được an toàn (có hiện tượng ném đá, ném gạch và dọa đánh người) và sự đồng thuận của đơn vị đóng tàu Tam Quan nên thời gian làm rất ít nên ảnh hưởng tiến độ” - ông Nguyên nói.
Hiện nay, 5 chủ tàu đề nghị mua sơn Jotun để sơn lại tàu nhưng hãng sơn này không theo sát để kiểm tra quy trình phun sơn 24/24.
Hãng chỉ kiểm tra quy trình phun sơn lớp 1, sang lớp thứ 2 hãng chỉ đến 2 ngày hướng dẫn quy trình rồi về còn các hãng khác họ theo sát nên ông Nguyên đề nghị chuyển sang hãng sơn Sigma họ giám sát 24/24.
Nếu quy trình sơn bảo đảm, mọi vấn đề như thời tiết thuận lợi, và Trung tâm Đăng kiểm có trách nhiệm như thế nào cùng với Công ty để khắc phục quy trình sơn đúng tiến độ nếu quy trình sơn đảm bảo thì hứa chỉ có 3 ngày xong 1 tàu.
Mất 15 ngày sẽ hoàn thành sơn 5 con tàu - ông Nguyên khẳng định và cho rằng căn cứ hợp đồng thì cần xem lại vì hiện giá lên thì ai bù, giá thấp thì thế nào.
Sau khi họp bàn, các chủ tàu đều thống nhất để Cty Đại Nguyên Dương sửa chữa tàu. Phương án sửa chữa được lên kế hoạch cho từng tàu, chủ yếu sẽ tập trung thay các mảnh thép bị hoen rỉ nhiều không còn độ dày theo tiêu chuẩn; phun cát làm sạch hoàn toàn bề mặt thép và tiến hành phun sơn 5 lớp đúng quy trình kỹ thuật dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24 của đại diện hãng sơn và đại diện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; lắp đặt thêm thiết bị chống ăn mòn cho tàu...
Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thì đối với chuyên gia tư vấn là những nhà khoa học nên khi họ đưa ra những luận cứ phải có đơn vị nhà nước kiểm tra kết quả, kiến nghị của họ.
Trên cơ sở đó Sở NNPTNT có văn bản gửi cho Tổng cục Thủy sản về ý kiến của chuyên gia tư vấn. Sau đó, Tổng cục Thủy sản đã ủy quyền cho Trung tâm Đăng kiểm nên văn bản, ý kiến của chuyên gia và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá là ý kiến đã được Tổng cục Thủy sản đồng nhất.
Với các ý kiến của ngư dân, các bên sẽ thống nhất sơn lại các con tàu theo đúng quy trình. Thống nhất không dùng sơn Jotun mà dùng sơn Sigma.
Ngư dân cũng cần có đơn gửi Cty Đại Nguyên Dương, Sở NNPTNT, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá về việc thống nhất chuyển sang dùng sơn Sigma. Loại sơn này chất lượng tương đương sơn Jotun nhưng có nhân viên hãng sơn túc trực giám sát - ông Hổ nói.
Cty Đại Nguyên Dương thống nhất phương án sửa chữa, phối hợp Trung tâm Đăng kiểm, cơ sở đóng tàu và ngư dân xây dựng phương án nói rõ về nội dung sữa chữa từng tàu một và thời gian hoàn thành để các chủ tàu ký với Công ty. Giao Chi cục Thủy sản tổng hợp trình UBND tỉnh về phương án để thống nhất và triển khai - ông Hồ đề nghị.
Việc khắc phục tàu của Cty Đại Nguyên Dương được Sở NNPTNT Bình Định “chốt” đến ngày 27/9 là xong. Đơn vị này cùng phối hợp với Ngân hàng BIDV xem xét để tính toán lại giá trị chênh lệch thép, tiền nằm bờ để bồi thường cho các ngư dân.
Liên quan đến tàu vỏ thép, ngoài 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tại Bình Định còn có 15 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng bị hư hỏng đang được gấp rút sửa chữa. Có 7 tàu đã được sửa chữa xong, 8 tàu còn lại dự kiến cũng sẽ sớm được hoàn thành để ngư dân có thể ra khơi trước khi mùa mưa bão đến. |