Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Việt Thắng 09/09/2017 07:15

Ngày 8/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.

Hội thảo nhằm chuẩn bị cho giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Các đại biểu thảo luận bên hành lang hội thảo. (Ảnh: VnMedia).

Thông tin tại hội thảo cho biết, mặc dù hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ chỗ có gần 1 nghìn 500 DN vào năm 2010, đến hết năm 2016 còn khoảng 600 DN.

Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Theo ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tỷ lệ vốn ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán còn thấp.

Chúng ta đạt được hơn 92% số lượng DNNN CPH nhưng thực chất số vốn được CPH chuyển đổi sở hữu chưa đến 10%.

Bên cạnh đó, việc bàn giao các DN được CPH tách ra khỏi chức năng bộ chủ quản rất chậm được triển khai, việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán sau CPH còn chậm.

TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý của quá trình CPH DNNN là mặc dù 95% DN đã được CPH nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này theo ông Thiên là do tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài ít mặn mà với việc mua DNNN.

Để đẩy mạnh tiến độ CPH DNNN, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ pháp luật, tôn trọng cơ chế thị trường, thực hiện lộ trình CPH, thoái vốn nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, nhất là trong CPH và thoái vốn nhà nước tại DN.

Đồng thời áp dụng phương pháp định giá tài sản phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị DN được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch cũng như lựa chọn được các tổ chức tư vấn định giá độc lập có năng lực chuyên môn, uy tín; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào DN khi CPH, thoái vốn nhà nước.

Ông Tony Foster- Giám đốc điều hành Công ty Luật Freshfields (Anh) cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các DN CPH hay thoái vốn nhà nước. Điều này sẽ mang đến những chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho Chính phủ...

Từ những phân tích của các chuyên gia, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng của CPH và thoái vốn nhà nước trong các DN, các bộ, ngành và DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng cả các nhà đầu tư, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để tìm hiểu các nguyên nhân và tìm ra giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nghiên cứu để gỡ bỏ các rào cản pháp lý, lợi bỏ các lợi ích nhóm nâng cao tính minh bạch cho quá trình CPH và thoái vốn nhà nước của DN.

Việt Thắng