Đổi mới quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Minh Quân (ghi) 09/09/2017 07:30

Sau sự việc trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, vừa qua, có nhiều ý kiến khác nhau đưa ra về công tác quản lý. Theo TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cần xác định lễ hội là nguồn lực và sản phẩm của du lịch. Từ đó có giải pháp quản lý phù hợp, tôn trọng và đề cao vai trò cộng đồng.

Để quản lý tốt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý và người dân địa phương.

Hiểu đúng về lễ hội

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, ngành Nhân học, Văn hóa học chịu ảnh hưởng của thuyết tiến hóa luận. Một số người có quan niệm chưa đúng về quản lý lễ hội. Họ nhìn nhận lễ hội có nhiều yếu tố tàn dư của xã hội cũ.

Lễ hội là lạc hậu, mê tín dị đoan hoặc vội vàng kết luận lễ hội này phản cảm, lễ hội kia bạo lực. Lại được sự cổ súy của truyền thông, cố gắng đi tìm cái lạ, cái khác thường, câu khách nên tạo thành làn sóng bài trừ một loạt lễ hội, cấm cả nghi lễ “ăn trâu” của đồng bào Tây Nguyên.

Vì thế, trước hiện tượng phức tạp trong công tác quản lý lễ hội hiện nay, cần tiếp thu quan điểm tương đối văn hóa. Quan điểm này đề cập cách nhìn nhận, đánh giá lễ hội trong bối cảnh của chính nền văn hóa sản sinh ra lễ hội.

Thuyết tương đối văn hóa đề cao sự bình đẳng giữa các nền văn hóa, không có nền văn hóa cao, nền văn hóa thấp. Các nền văn hóa đều có giá trị như nhau.

Sự khác biệt của văn hóa phản ánh sự ứng xử của con người trước môi trường tự nhiên và xã hội khác nhau.

Đánh giá về lễ hội theo thuyết tương đối văn hóa, nhà nghiên cứu không vội vàng đưa ra những nhận định của người đứng trên hoặc là cái nhìn của người ngoài cuộc.

Người quản lý, nghiên cứu phải xem xét lễ hội trong mối liên hệ với bối cảnh văn hóa - môi trường đã sản sinh lễ hội để đánh giá.

Tuy nhiên, trong đánh giá cũng cần có cái nhìn hài hòa, cái tương đối với tiêu chuẩn giá trị phổ quát của loài người.

Đề cao, tôn trọng tính đa dạng nhưng cũng luôn tôn trọng tính đồng nhất hay tính phổ biến. Một hướng tiếp cận khác khi nghiên cứu lễ hội là cần tuân theo nguyên tắc hệ thống hoặc gọi là chỉnh thể nguyên hợp.

Lễ hội có nhiều thành tố đan xen nhau, có quan hệ hữu cơ với nhau,một thành tố trong mối liên hệ với các thành tố khác.

Đồng thời, nghiên cứu về lễ hội cũng đặt trong mối quan hệ giữa lễ hội với các yếu tố kinh tế, tâm lý, các mối quan hệ xã hội… của cộng đồng chủ nhân thực hành lễ hội. Đặc biệt chú trọng các nhân tố cơ bản như cơ chế thị trường, vấn đề toàn cầu hóa.

Tìm hướng đi hiệu quả

Người Đồ Sơn, người Hải Phòng luôn tự hào về lễ hội chọi trâu. Lễ hội là một phần hồn của quê hương, đi đâu, về đâu, người dân Hải Phòng luôn nhớ về lễ hội.

Vì vậy, cần có cái nhìn của người trong cuộc, có quan điểm tôn trọng di sản văn hóa dân gian. Hiện tượng trâu chọi húc chết chủ vừa qua có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do Ban Tổ chức chưa có phương án bảo vệ người chủ. Do đó, không nên đánh giá lễ hội chọi trâu là phản cảm, bạo lực.

Cần nhìn nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chuyển sang cơ chế thị trường là tất yếu. Lễ hội phải tổ chức các dịch vụ, tăng nguồn thu nhưng không đặt vấn đề nguồn thu là trên hết dẫn đến tận thu.

Nguồn thu lớn nhất của lễ hội là nguồn thu từ du lịch. Vì vậy cần có quan điểm xây dựng lễ hội theo hướng phát triển bền vững, vừa bảo tồn các giá trị của lễ hội vừa xây dựng được chuỗi sản phẩm có thương hiệu của Đồ Sơn - Hải Phòng.

Ngoài ra, quan điểm quan trọng nhất là xác định lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội của người dân Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên - những phường hiện nay nhưng trước kia là ba làng thuộc tổng Đồ Sơn.

Người dân Đồ Sơn là chủ nhân của lễ hội, chỉ có người Đồ Sơn mới có quyền tổ chức hay không tổ chức. Cần phải đề cao thực quyền của cộng đồng người dân trong mọi công việc từ chuẩn bị đến khai hội, tổ chức lễ hội và giám sát chặt chẽ nguồn thu. Hiện nay, có nhiều nhà khoa học cho rằng nên “trả lại lễ hội cho dân”.

Nhưng nhiều nhà quản lý lại cho rằng lễ hội phát triển với quy mô lớn, không thể “khoán trắng” cho người dân tự tổ chức. Vậy, cần tổ chức lễ hội chọi trâu thế nào?

Để giải bài toán vướng mắc này cần xây dựng mô hình quản lý lễ hội do cộng đồng tự quản, có sự giám sát của chính quyền cơ sở. Đây là mô hình quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu có sự tham gia của Nhà nước.

Chủ thể tổ chức của các lễ hội này nhất thiết phải là người dân trong cộng đồng đại diện là Mặt trận Tổ quốc, các tượng, giáp, thôn.

Vai trò quản lý của Nhà nước thể hiện ở chỗ: giám sát và chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề về trật tự an ninh, an toàn thực phẩm, giá cả dịch vụ...

Mặt khác, vai trò quản lý nhà nước cũng cần được phân cấp dần tới cộng đồng và thể chế hóa bằng hệ thống quy chế chung của xã, quận.

Thậm chí, có thể sử dụng và phát huy vai trò của nghệ nhân hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng. Đồng thời, vai trò của quản lý của Nhà nước cũng thể hiện ở chỗ thường xuyên giám sát, theo dõi diễn biến của các lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống lễ hội của đồng bào nhằm đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Ngoài ra, vai trò của Nhà nước cũng thể hiện ở việc đảm bảo trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội. Kinh phí tổ chức những lễ hội này hoàn toàn do cộng đồng đóng góp, tự thu chi theo quy chế bàn bạc dân chủ, công khai.

Do đó, không thể khoán trắng việc tổ chức lễ hội cho một cá nhân hoặc một doanh nghiệp nào. Quan điểm “trả” lại lễ hội cho dân của một số nhà khoa học nêu ra sẽ không đúng với thực tiễn tổ chức lễ hội. Các ban tổ chức lễ hội này phải có kiến thức, phải được tập huấn, phải nắm vững nội dung, yêu cầu của lễ hội.

Minh Quân (ghi)