Xung quanh vấn đề nhập khẩu chương trình giáo dục: Cần chọn lọc cho phù hợp
Việc Bộ GD&ĐT chính thức khẳng định không mua bản quyền (nhập khẩu) chương trình giáo dục của Phần Lan là một tin vui với những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Không ai muốn con, cháu mình lại trở thành “chuột bạch” để thử nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, dù đó là một chương trình rất thành công nhưng không có nghĩa sẽ phù hợp với Việt Nam.
Sớm làm quen với máy tính giúp trẻ phát triển tư duy tích cực.
Không thể bê “nguyên xi”
Theo ông Nguyễn Xuân Vang- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Phần Lan (diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác Bắc Âu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đầu tháng 9), không hề nhắc đến việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục của Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam. Hai Bộ trưởng chỉ đặt vấn đề trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận với trình độ giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan.
“Không bao giờ có chuyện chúng ta sẽ mang “nguyên xi” giáo dục Phần Lan hay bất kỳ nước nào về áp dụng vào Việt Nam và cũng không thể làm được. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến theo hướng có chọn lọc và phù hợp với điều kiện triển khai của Việt Nam ở cả bậc phổ thông và đại học. Tôi gọi đây là tư duy hội nhập có chọn lọc”- ông Vang cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Vang cho rằng, có rất nhiều điều mà ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh…
Việc Việt Nam có áp dụng được những điều mà Phần Lan đang làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước mắt, ta có thể tham khảo chương trình giáo dục của Phần Lan để chọn những gì phù hợp với Việt Nam để áp dụng đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang xây dựng.
Muốn làm được điều đó, cần phải nghiên cứu kỹ thông tin tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nước về giáo dục của Phần Lan, việc áp dụng chưa thành công tại Indonesia và Thái Lan… sau đó mới có thể nói được ta sẽ tham khảo, áp dụng được gì chứ bây giờ còn quá sớm đến khẳng định điều gì.
Rút kinh nghiệm gì từ “bài học đã có”?
Mặc dù đã có sự khẳng định chính thức từ Bộ GD&ĐT, đã bớt đi một nỗi lo trước mắt nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn bày tỏ băn khoăn xung quanh xu thế hội nhập giáo dục đang diễn ra hiện nay, cụ thể nhất là chuyện chúng ta sẽ chọn học hỏi, rút kinh nghiệm gì từ những thành công và thất bại của những nền giáo dục trên thế giới?
Tại buổi tọa đàm “Việt Nam có thể học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?” diễn ra đầu năm 2017 do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp tổ chức, bà Riikka Hassi- chuyên gia giáo dục Phần Lan, đã chỉ ra bài học thành công của giáo dục Phần Lan đó là bởi “chúng tôi đã táo bạo và mạnh dạn làm điều khác biệt với thế giới nhưng dựa trên hoàn cảnh cụ thể của đất nước chúng tôi”.
Hoàn cảnh cụ thể của mỗi đất nước là khác nhau. Điều này rõ ràng đến mức các chuyên gia, những người đứng đầu ngành giáo dục không thể không biết.
Nhưng tại sao cho đến nay, một số mô hình giáo dục chúng ta nhập khẩu và triển khai lại đang “rối như tơ vò”, cụ thể là mô hình trường học mới (VNEN) tạo ra nhiều ý kiến trái chiều đến thế?
Đặc biệt là về phía phụ huynh học sinh khi sát sao tình hình học tập của con em mình thì rất lo lắng vì ngoài sự mạnh dạn, tự tin hơn là có thật, nhiều em có kiến thức “lỏng lẻo” đến mức đáng lo ngại.
“Hiện nay Bộ đã yêu cầu các Sở GD&ĐT phải rà soát, trường nào chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai VNEN… Nhưng hàng nghìn học sinh đã tham gia học tập mô hình này trên khắp cả nước cũng đã trở thành “chuột bạch” rồi.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT ở đâu khi mới chỉ đề cập đến trách nhiệm của các trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sĩ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới?
Đáng lẽ, ngay từ khi lên kế hoạch thực hiện, Bộ GD&ĐT đã phải tính toán đến những khác biệt này chứ không thể đợi đến khi áp dụng không thành công mới đi tìm nguyên nhân”- vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Vì thế, mặc dù không chỉ Việt Nam, rất nhiều nước sang học hỏi Phần Lan nhưng vị chuyên gia này bày tỏ sự lo lắng về việc sau đây, sẽ có những ý kiến, đề xuất học hỏi nào từ nền giáo dục có nhiều khác biệt với Việt Nam sẽ được áp dụng?
Vị chuyên gia này đề xuất Bộ GD&ĐT cần công khai để dư luận góp ý trước khi có quyết định chính thức.
Đơn cử như chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách giáo khoa Bộ đang xây dựng sẽ tham khảo gì từ chương trình, sách giáo khoa của Phần Lan hay không?
Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sẽ có thay đổi ra sao nếu như căn cứ vào mô hình chuẩn của Phần Lan là “việc tuyển chọn giáo viên rất khắt khe, tỷ lệ chọi là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được dạy”…
Cần thay đổi chính sách đối với giáo viên
Theo GS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, việc hợp tác quốc tế và học hỏi các nền giáo dục tiên tiến là một trong những con đường quan trọng để hội nhập và tiến đến thành công.
Tuy nhiên, căn nguyên của mọi thành bại, mọi cải cách trong giáo dục là đội ngũ giáo viên. Nếu đội ngũ này không chịu đổi mới, thì mọi chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy có tốt đến mấy cũng không thể triển khai thành công được. Đây là lý do vì sao mấy chục năm nay chúng ta vẫn loay hoay với “cải cách giáo dục”.
“Điểm đầu vào sư phạm thấp, ngành sư phạm khó tuyển được người giỏi, lương giáo viên thấp, vị trí của người giáo viên không còn được xã hội tôn trọng như xưa… nên không phải thầy cô nào cũng hết lòng với nghề, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, trong đó xuất phát từ cả nhu cầu của một bộ phận giáo viên cần tăng thu nhập… chính là những vấn đề cần được thay đổi ngay. Chỉ khi đã có đội ngũ giỏi thì chương trình hay, sách giáo khoa tốt mới được thực thi thành công. Nếu cứ loay hoay với đủ các loại cải cách, không có trọng tâm thì khó đem lại hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn”- ông Dong đề xuất.