Xã hội được hưởng lợi từ việc xếp hạng đại học
"Bảng xếp hạng đại học tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, hưởng lợi là sinh viên và xã hội", Hiệu phó Đại học Duy Tân nói.
TS Võ Thanh Hải, Hiệu phó Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), chia sẻ về những cái được, chưa được của bảng xếp hạng và nhiều vấn đề của giáo dục đại học.
Xếp hạng sẽ tăng sức cạnh tranh giữa các trường
Đại học Duy Tân là trường tư thục đầu tiên ở miền Trung. Lãnh đạo và giảng viên rất bất ngờ khi trường được nhóm nghiên cứu xếp hạng thứ 9 trong tổng số 49 trường đại học cả nước. Niềm vui đầu năm học mới là động lực để giảng viên nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Bảng xếp hạng của nhóm chuyên gia, về khách quan nên xem đó là một sự khởi đầu trong việc đánh giá xếp hạng các trường của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất giáo dục có được một bảng xếp hạng độc lập. Nhóm nghiên cứu đã rất nỗ lực, làm việc trên tinh thần vì sự phát triển của đại học Việt Nam, chứ không mang lại tư lợi gì. Đó là điều rất đáng trân trọng.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số tiêu chí bám sát xếp hạng của thế giới, ví dụ căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học, các vấn đề đào đạo, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, nó có hạn chế vì thế giới thường đánh giá theo các trường độc lập, còn nhóm vừa xét theo trường, vừa xét theo khối trường, từ đó có chênh lệnh nhất định. Nhóm cũng mới xếp hạng 49 trường, chưa phải tổng số 271 trường Việt Nam nên kết quả chỉ mang tính tham khảo.
TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng thường trực ĐH Duy Tân Đà Nẵng.
Cá nhân tôi ủng hộ những tổ chức xếp hạng, vì nhìn vào kết quả xếp hạng thấy mình nằm ở đâu và cần khắc phục những gì. Ví dụ cơ sở vật chất Đại học Duy Tân được nhóm nghiên cứu xếp đứng thứ 46 thì chắc chắn tới đây phải cải thiện.
Với các trường đại học, có thể năm nay xếp thứ 30-40 nhưng nếu nỗ lực sang năm có thể đứng vị trí cao. Bảng xếp hạng tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Người hưởng lợi là sinh viên và xã hội.
Cũng phải xác định chất lượng đào tạo của một trường đại học không thể cứ trông chờ vào những bảng xếp hạng, đứng thứ hạng cao rồi tự mãn. Chính xã hội là người đánh giá, xếp hạng các trường đại học, thông qua việc làm của sinh viên sau khi ra trường, đóng góp cho xã hội những gì. Đó mới là giá trị lâu bền.
Đào tạo phải song hành với nghiên cứu khoa học
Nhóm nghiên cứu đã xếp tiêu chí nghiên cứu khoa học và đào tạo cùng chiếm tỷ lệ 40%, theo tôi đó là cách tiếp cận đúng. Đại học Duy Tân có được thứ hạng cao hơn nhiều trường công lập, có thể do nhóm nghiên cứu đã bám sát và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu khoa học được giảng viên công bố trên các tạp chí quốc tế.
Nhà trường hiện có hơn 640 nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, riêng năm vừa qua có hơn 320 bài và là một trong ba trường có nghiên cứu khoa học nhiều nhất nước, theo chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi cho rằng, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế là hình thức công khai học thuật.
Những nghiên cứu khoa học được cả thế giới thừa nhận, anh chỉ cần đạo văn một chút là người ta biết và loại anh ra khỏi "cuộc chơi". Bây giờ người ta dùng phần mềm là có thể kiểm tra ra ngay. Giảng viên không công khai những công trình nghiên cứu quốc tế thì không ai biết được anh có đạo văn hay không.
Cụ Lê Phước Thiệt (85 tuổi) đang theo học cao học tại Đại học Duy Tân Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Đông).
Thực tế hiện nay giảng viên các trường công không có được thu nhập phù hợp với công sức đứng lớp, họ phải dạy quá nhiều, không có thời gian nghiên cứu khoa học. Mà không nghiên cứu thì không tạo ra tri thức mới, giáo trình một năm đi qua sẽ cũ dần.
Nghiên cứu khoa học sẽ kéo theo chất lượng đào tạo, thầy giáo gắn với thực tiễn hơn, từ đó giúp sinh viên gần thực tiễn và ra trường dễ dàng bắt tay vào việc. Giảng viên nghiên cứu khoa học ở lãnh thổ Việt Nam, nếu công trình đó mang lại hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, vì người dân những nơi được nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tế.
Vì thế, đào tạo và nghiên cứu phải được xem là hai trụ cột của một trường đại học. Nếu đại học không có những công bố quốc tế thì như chỉ dạy lớp 12 cộng mà thôi, chất lượng giáo dục mãi làng nhàng mà thôi.
Vừa qua nhóm nghiên cứu thu thập số liệu, một số trường không công khai. Điều này theo tôi là bất lợi cho chính trường đại học đó, vì khi không công khai thì không thể nói trường mình dạy tốt được. Khi đã hội nhập với thế giới thì mình phải tiếp nhận luật chơi, đừng xem nó là cái gì đó dị dạng. Giáo dục thì phải công khai, từ đội ngũ giảng dạy, đến học phí, để sinh viên lựa chọn.
Đa số chúng ta có cái dở là cứ mỗi lần người ta công bố cái gì là cố tìm những cái hạn chế để nói nó không đạt, để rồi cuối cùng không ghi nhận, không tiếp thu. Trong khoa học là phải chỉ ra cái được, cái chưa được. Cái chưa được thì mình phải hiến kế để hoàn thiện.
Chúng ta nên ủng hộ nhóm nghiên cứu, để nhóm này tiếp thu những tiêu chí còn hạn chế, hoàn chỉnh và làm những nghiên cứu tiếp theo tốt hơn. Như thế nền giáo dục nước nhà mới tiến bộ được.