Ma trận tiền ảo

Duy Khang 10/09/2017 07:10

Cùng với Ilcoin, Onecoin, Octacoin, Swisscoi... càng ngày người ta càng nói nhiều đến đồng tiền ảo Bitcoin. Các giao dịch Bitcoin chủ yếu diễn ra trên mạng internet. Tại Việt Nam tuy rằng đồng tiền này không được chấp nhận, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng hoạt động của nó vẫn có chiều hướng gia tăng, bất chấp rủi ro.   


Bitcoin cũng như các loai tiền ảo khác cần được quản lý chặt chẽ.

Được đánh giá có nhiều ưu điểm trong giao dịch, bảo mật và an toàn, giá trị ngày càng cao,… đồng tiền ảo Bitcoin đang khiến cho thế giới tài chính điên đảo. Nhiều người trong giới chuyên gia cho rằng, đồng Bitcoin ngay từ khi ra đời đã trở thành một “cuộc cách mạng” trong thanh toán điện tử. Không phủ nhận Bitcoin có nhiều ưu điểm, nhưng đồng tiền này vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn…

Quá nhiều rủi ro

Thực tế hiện nay, ở một số quốc gia đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam, khi người dân thường vẫn quen với việc sử dụng tiền tệ, vàng bạc và không am hiểu nhiều về những loại đồng tiền điện tử sẽ rất e dè và có nhiều lo ngại khi sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin. Nguy hại hơn là trong thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện những hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng…

Còn nhớ năm 2016, tại tỉnh Gia Lai, mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” đã giúp một số đối tượng lừa đảo lợi dụng sự tin tưởng, “mờ mắt trước mức lợi nhuận” của người dân để chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng khiến hàng trăm người dân điêu đứng. Trong khi đó, các giao dịch Bitcoin chủ yếu diễn ra trên mạng internet nên công tác điều tra vô cùng khó khăn. Vì thế, khi mô hình này bị sập, người dân không thể rút được tiền đầu tư vào hệ thống.

Ngoài việc là phương tiện cho các đối tượng lừa đảo, đồng Bitcoin còn có khả năng tạo điều kiện cho tội phạm tin tặc, rửa tiền lộng hành. Vì tính ẩn danh của đồng Bitcoin và không bị ai kiểm soát, tội phạm hoàn toàn có thể sử dụng đồng tiền này như một phương thức giao dịch. Hacker có thể tìm cách tấn công nhiều sàn giao dịch để đánh cắp Bitcoin số lượng lớn và nạn rửa tiền có thể xảy ra một cách dễ dàng.

Từ những hạn chế kể trên, ngay từ khi đồng Bitcoin mới xuất hiện ở Việt Nam (giống như một số loại tiền khác như Ilcoin, Onecoin, Octacoin, Swisscoi), Ngân hàng Nhà nước đã phải đưa ra thông báo khẳng định, tiền ảo Bitcoin không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cảnh báo, nếu rủi ro xảy ra, người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo hoàn toàn không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), do các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài, nên việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiểm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của nhà đầu tư mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa hai bên. Cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa các dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành của Việt Nam, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo… Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo và hoàn thành vào tháng 6-2019. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.

Cần thiết phải có khung pháp lý cho Bitcoin

Có thể thấy, tốc độ gia tăng giá trị nhanh chóng của đồng Bitcoin thời gian qua đã cuốn hút nhiều người tham gia đầu tư. Từ chỗ Bitcoin có giá trị ban đầu chỉ ở mức dưới 1 USD trong khoảng 1 thập kỷ trước, đến nay, giá trị một đồng Bitcoin lên tới trên 4.000 USD và theo phán đoán của giới chuyên gia kinh tế, trong tương lai có thể giá trị này sẽ còn tăng lên cao hơn nữa.

Chính vì thế, khi đánh giá tác động hai mặt của đồng Bitcoin đối với thị trường Việt Nam, các chuyên gia tài chính đều có chung quan điểm cho rằng, đến thời điểm này, khi giá trị của Bitcoin càng ngày càng cao, số người đầu tư ngày càng lớn, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý về quản lý tiền ảo. Bởi theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng cho thấy, sở dĩ đồng Bitcoin không ngừng tăng giá, thu hút được nhiều người tham gia đầu tư vì nó mang tính đầu cơ cao và ngày càng khan hiếm. Vì thế, một khi coi đồng Bitcoin là một loại hàng hóa thì hoàn toàn có thế chấp nhận cho phép sử dụng.

Còn trong trường hợp coi đồng Bitcoin là một loại tiền ảo, tài sản ảo thì nên nên cấm hoàn toàn việc sở hữu, sử dụng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến khả năng các giao dịch với đồng Bitcoin thay vì công khai sẽ hoạt động theo một hệ thống ngầm. Khi đó, việc quản lý Bitcoin sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi Bitcoin không có hình thái như đồng tiền thông thường, Bitcoin chỉ tồn tại trên hệ thống máy tính.

Nhận thấy việc sở hữu, mua bán, sử dụng đồng Bitcoin sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, CEO trường Doanh nhân Bizlight, chuyên gia kinh tế, Luật sư Bùi Quang Tín cũng đã nêu quan điểm, việc giao dịch bằng tiền ảo mang tính ẩn danh nên có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Nhất là khi việc sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán mà chưa hề được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ.
Đề cao vấn đề quản lý hoạt động của Bitcoin tại Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch Hội đồng TV Công ty luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam mới đặt ra vấn đề quản lý, hoàn toàn chưa có văn bản nào cấm hoặc thừa nhận toàn bộ hoặc một phần đối với đồng tiền Bitcoin. Do đó, ông Đức cho rằng, muốn quản lý được Bitcoin, trước tiên cần phải công nhận Bitcoin là một loại tài sản và loại tài sản này cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh sự biến tướng như trong thời gian qua.

Duy Khang