Kiểm soát tài sản để chống tham nhũng
Cả nước có 1.113.422 người kê khai tài sản trong năm 2016. Qua xác minh, cơ quan chức năng chỉ phát hiện... 3 trường hợp không trung thực. Con số trên được Thanh tra Chính phủ công bố chính thức tại cuộc họp Quốc hội cho ý kiến dự thảo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017. Đây là con số khó tin, gây sốc trong dư luận và nhận được sự phản ứng gay gắt của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng, không kiểm soát được tài sản sẽ là vô phương trong chống tham nhũng.
Tranh minh họa.
Con số khó tin nhưng dễ dàng được chấp nhận, bởi ngoài 3 người không trung thực bị phát hiện, hầu hết cán bộ còn lại đều thấy mình nằm trong số 1.113.419 người kê khai tài sản trung thực. 3 trường hợp trên mới chỉ là vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập chứ không phải là tài sản bất minh hoặc tham nhũng.
Nếu chấp nhận con số trên thì hoặc là cán bộ của chúng ta quá liêm khiết; hoặc việc kê khai không có mấy tác dụng chống tham nhũng. Nếu chấp nhận vế thứ nhất, thì chúng ta tự mâu thuẫn bởi cả bộ máy đang vào cuộc quyết liệt chống tham nhũng. Và hiện chúng ta đang xem tham nhũng là quốc nạn, mỗi năm phát hiện hàng trăm cán bộ “nhúng chàm”. Còn nếu chấp nhận vế thứ hai, thì vô tình việc kê khai tài sản trở thành công cụ hợp thức hóa tài sản không thể lần ra nguồn gốc của cán bộ hiện nay.
Thẳng thắn phê báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ĐBQH Vũ Trọng Kim- nguyên Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: “Có 3 người kê khai tài sản không trung thực thì đưa vào báo cáo làm gì vì dân chẳng thể nào tin được. Thoát tội hết, kể cả trung ương cũng thoát tội. Né tránh quá nhiều, tổ chức thực hiện quá kém và bản lĩnh yếu”. Theo ông Kim, khi đến với dân thì dân hay tiếp xúc trực tiếp cán bộ cơ sở sẽ chỉ rõ từng ông cán bộ huyện, tỉnh, xã tham nhũng. Nhưng báo cáo quá mờ nhạt khi chỉ có 25 người đứng đầu cơ quan bị xử lý do để xảy ra tham nhũng. Theo đó, phải khắc phục cho được bệnh hình thức trong kê khai tài sản tạo tiền đề cho công cuộc chống tham nhũng. “Cuộc chiến chống tham nhũng phải trúng địa chỉ, lò đã nóng nhưng củi không đưa vào lò thì lò tắt” - ông Vũ Trọng Kim chốt lại.
Sau đây, xin giới thiệu một số ý kiến nhằm nhận diện rõ hơn nạn tham nhũng cũng như cần những giải pháp quyết liệt để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn.
Ông Đinh Văn Minh
Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra ĐINH VĂN MINH:
Chỉ dựa vào niềm tin cán bộ trung thực thì kê khai mãi vẫn chỉ là hình thức
Minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai tài sản, giám sát, kiểm tra việc kê khai tài sản… chỉ là một trong nhiều công cụ PCTN. Hoàn thiện các công cụ ấy là quá trình song song với sự phát triển của đất nước, với sự nâng lên dần trình độ quản trị quốc gia trên một nền tảng đạo đức xã hội với những giá trị cốt lõi được đề cao... Rồi sẽ đến lúc nào đó tham nhũng ở ta sẽ không thể trắng trợn, bất chấp, phô trương bằng của nổi, bằng biệt phủ được. Có thể rồi tiền tham, lạm được chẳng thể gửi ngân hàng mà phải nhét dưới gầm giường, hay đào hầm chôn trong nhà như đang diễn ra ở Trung Quốc. Hãy tin quy luật vận động, phát triển là như vậy.
Muốn kê khai không hình thức phải lập bộ phận chuyên trách, hoặc giao thêm chức năng cho bộ phận tiếp nhận, quản lý bản kê khai để có người đọc, nghiên cứu thông tin các bản kê khai, theo dõi sự biến động. Người đó phải có quyền chủ động đánh giá tính hợp lý của giải trình về tài sản, và thậm chí có quyền yêu cầu người kê khai bổ sung, làm rõ… Chúng tôi đang bàn, có thể xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu kết nối với các cơ quan liên quan. Tài sản chung quy có mấy loại là tiền, nhà đất, xe cộ, cổ phần, cổ phiếu... thì quản lý việc đó phải kết nối với ngân hàng, sở thuế, đăng ký bất động sản, ủy ban chứng khoán.
Việc xác minh tài sản tôi cho rằng không chỉ thực hiện với người có biểu hiện không trung thực rõ ràng cần phải xác minh mà mỗi năm phải tiến hành thẩm tra ngẫu nhiên 10%-15% đối tượng phải kê khai, trúng ai người đó chịu. Như thế cán bộ, đảng viên mới ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Chứ chỉ dựa vào niềm tin là cán bộ ta trung thực cả, thì khó có thể hy vọng mọi người đều trung thực trong việc kê khai.
Luật PCTN sửa đổi cũng bổ sung nghĩa vụ giải trình cả với tài sản tăng, và tải sản giảm - theo đúng nghĩa là biến động. Ít nhất để minh bạch hóa, qua đó phòng ngừa việc tẩu tán tài sản bất minh. Tôi cho rằng cần đưa vấn đề kiếm soát dòng tiền, chống rửa tiền vào lần sửa Luật PCTN này, có thể thành mục kiểm soát giao dịch lớn. Chẳng hạn, cứ chi tiêu 200 triệu đồng trở lên là phải kê khai. Như thế, quản lý nhà nước về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ bao gồm cả phần tĩnh - như hiện tại, và thêm phần động nữa.
Ông Nguyễn Đình Quyền
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN:
Không kiểm soát tài sản là vô phương chống tham nhũng
Khó khăn nhất của PCTN là kiểm soát tài sản. Không kiểm soát được thì vô phương trong PCTN. Chúng ta luôn nói tham nhũng là tội phạm ẩn nhưng biện pháp lại “thông thường”, chỉ có tố tụng hình sự mở ra là “đặc biệt”. Muốn kiểm soát được tài sản - không chỉ ở cán bộ, công chức mà tất cả mọi người - thì mới không chuyển dịch khối tài sản được cho nhau.
Nếu không kiểm soát được mà chỉ dựa vào kê khai, công bố bản kê khai, rồi đi xác minh thì nó vẫn chỉ mang tính hình thức. Muốn làm được thì mất 10 năm, Chính phủ phải có đề án ngay từ bây giờ về cách kiểm soát tài sản. Muộn còn hơn không. Ở các nước, họ không có luật chống tham nhũng nhưng có luật kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người. Nếu kiểm soát được sẽ chống được trốn thuế, chống rửa tiền, chống gian lận thương mại, chống sở hữu chéo, cho vay nặng lãi, tham nhũng…
Về xác minh tài sản đây là câu chuyện lớn vì kê khai bây giờ rất hình thức. Mấy anh tổ chức cán bộ đi kiểm tra là hình thức. Các vụ án điều tra đi lại, mấy vòng tố tụng còn chưa xác minh được. Giao cho mấy anh kia xác minh là điều không tưởng. Các nước liên quan đến tài sản là phải tố tụng, điều tra. Giao cho cán bộ tổ chức là quá lỗi thời. Bởi từ trước đến giờ xác minh tài sản quy định trách nhiệm chính trị là chính chứ không thu hồi được. Như vậy là đi vào con đường cụt của cơ chế này.
Ông Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng NGUYỄN TRỌNG PHÚC:
Kê khai đừng làm cho có
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ là quá hời hợt. Chỉ có 3 người sai phạm về kê khai thì dân không thể chấp nhận được. Kê khai hình thức như vậy làm sao chống được tham nhũng. Tôi rất thấm thía và tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “khi quần chúng và toàn Đảng đã lên án, tất cả mọi người đều vào cuộc thì bất kỳ ai có khuất tất gì cũng phải được làm sáng tỏ”. Nhưng dường như trong trường hợp này thì thiếu vắng sự giám sát của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, toàn Đảng, toàn dân vào cuộc thì mới bóc được gốc rễ, ung nhọt của tham nhũng. Người ta thường nói: “cờ ngoài, bài trong”, tức là người trong cuộc, người đương chức, đương quyền phải là người nhen nhóm, đốt lên và làm bùng cháy ngọn lửa đó. Dân và Đảng ủng hộ, báo chí vào cuộc, quan trọng là người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc đó. Vì vậy Thanh tra Chính phủ lý ra phải tiên phong, phải có bản lĩnh để phụng sự Đảng và nhân dân, quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng.
Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào cơ quan của Chính phủ là Thanh tra Chính phủ thì chưa đủ để tận diệt tham nhũng, phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Theo đó, trước tiên phải kiểm soát được quyền lực của cơ quan cao nhất. Nếu không kiểm soát được cơ quan cao nhất thì sẽ không kiểm soát được cơ quan thấp nhất. Đã có lần tôi đề nghị lập Ủy ban giám sát gồm những cán bộ kiên cường nhất và những người có uy tín nhất trong Đảng để giám sát cơ quan quyền lực, như thế chống tham nhũng mới hiệu quả.
Để PCTN hiệu quả rất nhiều việc phải làm, trong đó phải quan tâm đến công tác kê khai tài sản. Kê khai làm sao để khắc phục được bệnh hình thức. Dự thảo luật PCTN sửa đổi đã đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn, dự luật có đề cập đến việc kê khai phải công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Ðể đảm bảo việc kê khai được chính xác, trung thực, kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai, dự thảo mở rộng cãn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành.
Điểm mới đáng chú ý nữa là dự luật lần này tuy giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh rõ ràng hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Điều này sẽ tránh được việc tẩu tán tài sản của người có hành vi tham nhũng khiến công tác thu hồi tài sản khó khăn như hiện nay.
Cùng với đó là bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai sẽ không hình thức, không làm thường niên như trước. Dự luận có đề cập, cán bộ kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực. Sau đó sẽ kê khai bổ sung đối với người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Việc quy định chặt chẽ chi tiết kê khai tài sản như vậy, hy vọng sẽ ngăn ngừa tham nhũng một cách hiệu quả, tránh bệnh kê khai hình thức gây bức xúc trong dư luận hiện nay.