Những mặt hàng nào sẽ chịu thuế tài sản?

Thúy Hằng (thực hiện) 10/09/2017 07:55

Sở hữu căn nhà thứ 2 phải đóng thuế chỉ là một vấn đề trong định hướng đề xuất xây dựng thuế tài sản mà cơ quan quản lý là Bộ Tài chính đang nêu ra. Vấn đề này cùng với việc thu chi ngân sách nhà nước đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo TS Nguyễn Đình Chiến- Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) trong thời gian tới có thể xem xét đưa các loại tài sản có giá trị lớn vào diện chịu thuế để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, tài sản, đời sống của các tầng lớp dân cư.

Ông Nguyễn Đình Chiến

PV: Thời gian qua, ông đã có những nghiên cứu về thuế tài sản. Ông đánh giá như thế nào về thuế tài sản hiện nay và loại tài sản nào có thể đưa vào diện chịu thuế trong thời gian tới?

Ông NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN: Thuế tài sản ở Việt Nam (thể hiện ở thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) - thay thế thuế nhà đất trước đây) ra đời trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn nên chỉ mới điều tiết duy nhất một loại tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, với việc mở rộng diện ưu đãi, miễn giảm của thuế SDĐNN cũng như việc miễn thuế SDĐPNN cho người nộp thuế… nên cơ sở thuế đã bị thu hẹp đáng kể.

Kinh tế Việt Nam hiện nay đã có sự tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ đầu hình thành hệ thống thuế thống nhất, nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng gia tăng, đồng thời chênh lệch về giá trị tài sản sở hữu giữa các chủ thể trong xã hội ngày càng lớn. Trong điều kiện đó, khả năng mở rộng cơ sở thuế tài sản nhằm huy động nguồn thu, quản lý, điều tiết quá trình phân phối, sở hữu, sử dụng tài sản là hoàn toàn hiện hữu…

Theo tôi, với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống nâng cao, khả năng tích lũy của người dân là tương đối lớn, trong thời gian tới, loại tài sản là nhà ở, vật kiến trúc trên đất cần đưa vào diện chịu thuế tài sản hàng năm. Quy định này sẽ góp phần thực hiện yêu cầu kiểm kê, kiểm soát, quản lý của Nhà nước đối với quỹ nhà ở, khuyến khích sử dụng quỹ nhà ở hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Đồng thời, góp phần thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, tài sản, đời sống của các tầng lớp dân cư.

Theo ông, tiêu thức nào có thể xem xét để xác định đánh thuế tài sản?

-Để đáp ứng được tiêu thức tài sản chịu thuế phải thuộc diện có giá trị lớn. Không phải tất cả các ngôi nhà, vật kiến trúc trên đất đều đưa vào tính thuế. Có thể lựa chọn một trong hai phương án sau:

Thứ nhất, chỉ đánh thuế vào nhà, vật kiến trúc trên đất có giá trị vượt quá mức khởi điểm chịu thuế. Lúc này, các ngôi nhà, vật kiến trúc trên đất có giá trị (xác định theo các quy định về giá tính thuế) vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ thuộc diện chịu thuế.

Thứ hai, chỉ đánh thuế vào nhà, vật kiến trúc thứ hai trở đi. Người sở hữu từ hai nhà, vật kiến trúc trở lên sẽ phải nộp thuế đối với các ngôi nhà, vật kiến trúc còn lại ngoài ngôi nhà, vật kiến trúc thứ nhất.

Vậy với các tài sản là phương tiện giao thông thì sao, thưa ông?

-Giá trị của các tài sản là phương tiện giao thông phản ánh phần nào mức độ giàu có của người sở hữu và thể hiện được khả năng nộp thuế của các chủ thể đó. Đồng thời, quá trình sở hữu và sử dụng các tài sản này trong xã hội sẽ có tác động nhất định đến các vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, ý thức tôn trọng pháp luật...

Do đó, về nguyên tắc, có thể xem xét đưa loại tài sản này vào diện quản lý, điều tiết bằng thuế tài sản hàng năm để tăng cường việc quản lý nhà nước đối với các tài sản này cũng như chủ sở hữu, sử dụng chúng, từ đó có sự điều tiết, tác động kịp thời nhằm khuyến khích các chủ sở hữu sử dụng tài sản hợp lý, hiệu quả, hạn chế các tác hại như gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, thiếu ý thức chấp hành pháp luật...

Tuy nhiên, hiện nay, các tài sản loại này (ôtô từ 24 chỗ ngồi trở xuống, xe máy dung tích xi lanh trên 125cc, du thuyền, máy bay) đã được điều tiết bằng thuế tiêu thụ đặc biệt bên cạnh thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, đồng thời phải chịu lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu (có tính chất như thuế tài sản đánh một lần), nên việc xem xét đưa loại tài sản này vào chịu thuế tài sản có thể xem xét trong dài hạn.

Mới đây, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN đối với DN nhỏ và vừa từ mức 20% xuống còn 17%. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

-Theo tôi, việc giảm thuế TNDN từ 20% xuống còn 17% theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện để DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đề xuất này còn có tác động quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tăng số lượng DN thành lập, hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng trưởng nhanh sau khi thành lập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Trong thời gian gần đây việc xây dựng luật thuế sửa đổi 5 luật thuế gây rất nhiều tranh luận. Vì 5 luật thuế này tác động rất lớn đến đời sống người dân và do vậy có nhiều ý kiến trái chiều. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?

-Tôi cho rằng, Luật Thuế GTGT hiện hành về cơ bản đã được xây dựng và thực thi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững, hoàn thiện hệ thống thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, có hai vấn đề chính cần được xem xét sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, thuế GTGT là sắc thuế tiêu dùng điều tiết chung đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ, không nên quy định quá nhiều trường hợp không chịu thuế. Việc quy định nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT sẽ làm hạn chế tính liên hoàn của thuế GTGT, gây ra sự khó khăn trong xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế, tạo ra sự bất công bằng giữa các khâu, các DN và các hàng hóa, dịch vụ. Chính vì vậy, cần rà soát, bổ sung thêm một số nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện tại không thuộc diện chịu thuế vào diện chịu thuế GTGT.

Thứ hai, xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu từ thuế gián thu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt) và giảm thuế suất thuế thu nhập (thuế TNDN và thuế TNCN) cùng với mở rộng cơ sở thuế, nhất là trong điều kiện cần tăng thu ngân sách nhà nước. Với đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN, tăng thuế suất thuế GTGT cùng với mở rộng cơ sở thuế tài sản, cơ sở thuế tiêu thụ đặc biệt là vấn đề cần thiết hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng (thực hiện)