Cao nguyên Di Linh
Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) sở hữu vẻ đẹp mộc mạc, bình dị mà hoang sơ. Vùng đất này không nổi tiếng như cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt, nhưng ai đã trót một lần lạc bước tới đây thì không thể nào quên...
Nương chè ở Di Linh.
Là một trong hai cao nguyên tạo thành mảnh đất Lâm Đồng quyến rũ của Tây Nguyên hoang dại, thế nhưng cao nguyên Di Linh dường như đã bị lãng quên. Nếu như cao nguyên Lâm Viên- Đà Lạt mang đến cho bạn phong cảnh thơ mộng, bầu không khí trong lành, cảm giác dịu êm thì cao nguyên Di Linh cũng sẽ cho bạn trải nghiệm những điều thú vị ấy. Nhưng Di Linh có điểm khác biệt với những ai thích khám phá thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí.
Cao nguyên Di Linh ẩn mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, hoang sơ bao gồm huyện Di Linh, Bảo Lộc ở phía Nam và một phần huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương ở phía Bắc. Trong đó, phía Bắc có địa hình tương đối bằng phẳng và phía Nam có địa hình khá hiểm trở, có nhiều sườn dốc uốn lượn quanh co và những thung lũng hẹp lạ lẫm. Khắp cao nguyên Di Linh, đâu đâu cũng thấy màu đất đỏ bazan màu mỡ, phì nhiêu đặc trưng của mảnh đất này. Vì thế, những nương rẫy cà phê dễ dàng “se duyên” cùng thổ nhưỡng và khí hậu ở Di Linh, thuận lợi phát triển qua ngày tháng.
Nếp nhà đơn sơ.
Ở vùng đất này có thác Liliang duyên dáng được đặt tên theo tiếng của người K’ho. Thác nằm bên cạnh quốc lộ 28 trên đường đi từ Di Linh đến Phan Thiết, thuộc địa phận xã Gung Ré, cách trung tâm thị trấn khoảng 12km. Khác với nhiều dòng thác hùng vĩ ở Tây Nguyên, Li Liang có dòng chảy rất hiền hòa, đổ từ từ qua các phiến đá, hệt như mái tóc đang xõa của nàng tiên nữ. Bao bọc thác là khu rừng nguyên sinh rộng lớn và xanh ngát, càng điểm tô cho vẻ đẹp của thác thêm thơ tình. Cùng với Li Liang, thác Bobla tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 50km. Dòng nước trắng xóa ào ào đổ xuống, ngân vang mạnh mẽ, như chính âm hưởng hào hùng của Tây Nguyên. Xung quanh thác là rừng cây rậm rạp đem lại bầu không khí trong lành, bên dưới là lòng hồ rộng để du khách tắm mát. Đến thác Bobla, sau khi vui chơi, du khách còn có cơ hội thăm vườn trà hay cà phê của người bản địa.
Chúng tôi may mắn được tham quan bản làng của người Cơ Ho và bước đi trong điệu cồng chiêng rộn rã. Tới nay, người dân tộc Cơ Ho vẫn giữ hai hình thức gia đình theo chế độ mẫu hệ là gia đình lớn và gia đình nhỏ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân, sau hôn lễ, người đàn ông về nhà vợ ở; nếu gặp trường hợp gia đình hiếm muộn thì người phụ nữ vẫn có thể ở nhà chồng. Con cái được tính dòng họ theo mẹ, con gái là người thừa kế. Nhưng theo xu thế phát triển, các gia đình lớn chuyển dần sang gia đình nhỏ đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở những vùng kinh tế phát triển hoặc ở gần đường giao thông lớn, ven đô thị. Độ tuổi kết hôn của người dân tộc Cơ Ho thường từ 16 đến 17 tuổi đối với nữ và từ 18 đến 20 tuổi đối với nam. Bình quân một phụ nữ sinh từ 5 đến 6 con nên tỷ lệ sinh khá cao.
Khác với nhiều dòng thác hùng vĩ ở Tây Nguyên, Li Liang có dòng chảy rất hiền hòa, đổ từ từ qua các phiến đá, hệt như mái tóc đang xõa của nàng tiên nữ. Bao bọc thác là khu rừng nguyên sinh rộng lớn và xanh ngát, càng điểm tô cho vẻ đẹp của thác thêm thơ tình. Còn thác Bobla, dòng nước trắng xóa ào ào đổ xuống, ngân vang mạnh mẽ. Xung quanh thác là rừng cây rậm rạp đem lại bầu không khí trong lành, bên dưới là lòng hồ rộng để du khách tắm mát rồi đi thăm vườn trà hay cà phê của người dân địa phương. |
Thác Bobla.
Đặc biệt, người dân vẫn sử dụng trang phục truyền thống, đàn ông là khố bằng vải bản rộng, dài khoảng từ 1,5 đến 2m, có hoa văn theo dải dọc. Phụ nữ dùng váy bằng một tấm vải quấn quanh người rồi giắt cạp. Váy nền đen, có diềm hoa văn trắng. Nếu thời tiết lạnh, họ khoác thêm chăn (ùi) ra ngoài. Phụ nữ dùng vòng cổ, vòng tay, cườm và khuyên căng tai làm đồ trang sức.
Tới làng Cơ Ho để được sống trong nhà sàn dài bằng gỗ, hai mái uốn cong, lợp bằng cỏ tranh, có liếp nghiêng ra phía ngoài và cũng lợp tranh để chống lạnh. Trước cửa ra vào có cầu thang lên xuống, vách đối diện với cửa để ché, giỏ đựng đồ đạc và bàn thờ. Mọi sinh hoạt chủ yếu như ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách... đều diễn ra quanh bếp lửa ở trong nhà.
Đừng bỏ qua chiều hoàng hôn ở đập Kala - nơi chứa nước cho công trình thủy điện tại Di Linh mang lại những phút giây tuyệt đẹp. Hồ Kala hệt như tấm gương khổng lồ được bao bọc bởi núi đồi xanh ngát màu thông. Con đường tản bộ xung quanh hồ lúc nào cũng lộng gió, cho bước chân nhẹ tênh tận hưởng không khí lành lạnh rất êm dịu của đất trời. Đến hồ Kala vào một buổi chiều nhẹ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh đầy mê hoặc khi hoàng hôn nhuốm đỏ mặt hồ.
Không chỉ Đà Lạt hay Bảo Lộc mới có những đồi chè khiến khách du lịch mê mẩn, giữa núi rừng trùng điệp, Di Linh cũng sở hữu cho mình rất nhiều đồi chè xanh mướt trải dài ngút tầm mắt. Lang thang trên các đồi chè ở Di Linh, khách du lịch được thả mình vào một màu xanh mát. Sáng sớm ngắm mây lãng đãng giăng trên đồi chè cũng là một trải nghiệm ấn tượng trong lòng du khách.
Cũng không quá khó để du khách thử cảm giác mạnh trên những cung đường đèo quanh co khi khám phá Di Linh. Hầu hết những cung đèo ở Di Linh đều do người Pháp xây dựng dựa trên lối mòn xưa của người bản địa. Nếu như đèo Omega là một thách thức lớn với khung cảnh hoang dại đầy quyến rũ thì đèo Phú Hiệp lại gợi chất thơ bởi màu hoa dại, nhất là dã quỳ vàng rực trong nắng thu...