Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển
Trong 8 tháng qua, chi thường xuyên đã đạt 585,6 nghìn tỷ đồng, còn chi đầu tư phát triển đạt 137 nghìn tỷ đồng. Chi thường xuyên vẫn đang gấp nhiều lần so với chi đầu tư phát triển. Trao đổi với ĐĐK, TS. Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cơ cấu bộ máy hợp lý sẽ giảm được chi phí. Trên cơ sở đó sẽ giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, chi cho đầu tư phát triển phải làm sao cho thật hiệu quả, mỗi khâu được kiểm soát chặt th
TS Đỗ Văn Sinh
PV:Trong bối cảnh ngân sách nhà nước vẫn đang gặp khó khăn nhưng báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy trong 8 tháng qua, chi thường xuyên đã đạt 585,6 nghìn tỷ đồng, còn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 137 nghìn tỷ đồng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TS Đỗ Văn Sinh: Tổng thu ngân sách 100%, thì chi thường xuyên chiếm 60%, còn lại là chi đầu tư phát triển và dự trữ. Tổng chi thường xuyên các năm trước rơi vào khoảng 62%, nhưng bây giờ chúng ta đang cố gắng giảm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. 8 tháng đầu năm chi đầu tư của chúng ta thấp do giải ngân thấp; trong khi chi thường xuyên vẫn tiếp tục phải duy trì. Cho nên cán cân tỷ lệ bị xê dịch. Nhưng tựu trung toàn bộ kế hoạch tổng thể chi thường xuyên khoảng trên dưới 60%.
Vậy trong bối cảnh này cần siết chặt chi tiêu như thế nào, thưa ông?
- Ở đây có hai vấn đề. Muốn tăng cường năng lực của quốc gia rõ ràng về lâu dài phải giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên. Vì tổng thu 100% nhưng chi thường xuyên tức là chi cho duy trì mà tăng lên thì làm gì còn nguồn lực để đầu tư? Nhưng trong chi thường xuyên và chi đầu tư đều phải tính phương án tiết kiệm và hiệu quả. Chi thường xuyên chiếm trên 60% mà chi không hiệu quả sẽ là một sự lãng phí. Còn trong chi đầu tư phát triển, tại các dự án không kiểm soát được chất lượng và hiệu quả thì đó cũng là lãng phí.
Như vậy trong đầu tư công, chúng ta phải quản lý chặt để tránh thất thoát cũng như phát huy được tính hiệu quả?
- Đúng vậy, đầu tư công của ta hiện nay có hai loại. Loại đầu tư cho phát triển kinh tế và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Trong tất cả lĩnh vực ấy cần siết chặt để làm sao cho có hiệu quả. Còn đầu tư để phát triển mà các dự án không những không hoạt động được lại lỗ vốn, gây hệ quả xấu thì đó là những bất lợi cho nền kinh tế.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô nếu chi thường xuyên mà không đi kèm với tinh giản biên chế thì mọi thứ là vô nghĩa, thưa ông?
- Cần có cách nhìn tổng quát liên quan đến cả vấn đề tổng thể. Vì chi thường xuyên có cả chi cho quản lý của Nhà nước và chi cho phúc lợi xã hội chứ không chỉ chi cho vấn đề quản lý. Nó bao gồm tất cả các lĩnh vực để phục vụ cho quản lý, duy trì sự hoạt động của xã hội. Cho nên câu chuyện tinh giản biên chế chỉ là một phần trong chi thường xuyên chứ không phải tất cả.
Giả sử nếu trong năm nay chi thường xuyên không được kéo giảm trong bối cảnh nợ công đang cao thì sẽ tiếp tục sẽ là gánh nặng đè lên vấn đề nợ công, thưa ông?
- Câu chuyện này rõ ràng về mặt tổng thể ta có một cái bánh trong đó có hai phần. Một phần cắt ra cho chi thường xuyên, một phần cắt ra cho chi đầu tư phát triển. Nhu cầu phát triển bây giờ rất cần nhưng miếng bánh lại quá bé trong khi ta cũng muốn đầu tư. Nó cũng giống như tài chính trong một gia đình, ít nhất phải duy trì sinh hoạt hàng ngày và giành một phần tiết kiệm để đầu tư kinh doanh. Nhưng tiết kiệm quá ít phải đi huy động nguồn lực khác để kinh doanh. Việc huy động nguồn lực khác để kinh doanh chính là đi vay và dẫn đến nợ công là như vậy.
Thưa ông hiện ngân sách đang khó khăn nhưng quan trọng làm sao có được cơ chế, huy động sức dân kêu gọi xã hội hóa đầu tư để giảm nguồn chi của nhà nước...
- Hiện Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm biên chế, tăng cường năng lực quản lý và phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó các khoản chi sự nghiệp khác ví dụ như: văn hóa, giáo dục y tế - xã hội cần xã hội hóa. Từ xưa đến nay, các vấn đề đó ta toàn bao cấp hết, giờ phải xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác chứ không phải trực tiếp chi từ ngân sách, tức là nhu cầu của dân vẫn cần nhưng ai dùng người đó phải trả chứ không phải ngân sách đều gánh tất. Đó chính là xã hội hóa, huy động sức dân, xã hội hóa để tăng thêm nguồn lực để kéo tổng số tỷ lệ chi thường xuyên giảm xuống so với tổng thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó mới có nguồn dôi ra để đầu tư phát triển kinh tế.
Hiện đang còn một lượng tài sản lớn của nhà nước nằm trong doanh nghiệp. Nếu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh chúng ta sẽ thu được một khoản để phát triển thưa ông?
- Đúng vậy. Nguồn lực nhà nước của ta hiện nay ngoài thu hằng năm, còn tài sản nhà nước đang đọng lại tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ hiện đang cố gắng chỉ giữ những ngành quan trọng chủ chốt, còn lại cổ phần hóa sẽ thu được phần tài sản của nhà nước đang đọng tại doanh nghiệp để tăng nguồn lực đầu tư; và đó là hướng đang đặt ra.
Nhưng theo ông để chi thường xuyên muốn được hiệu quả nhất cần giải pháp nào mang tính căn cơ?
- Thứ nhất, toàn bộ hệ thống Đảng, các đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước phải cơ cấu lại cho thực sự hợp lý. Từ cơ cấu hợp lý sẽ dẫn đến có bộ máy để phục vụ Nhà nước, phục vụ xã hội tốt nhất. Lúc đó sẽ giảm được chi phí. Trên cơ sở đó sẽ giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư phát triển phải làm sao cho thật hiệu quả, mỗi khâu được kiểm soát chặt thì hiệu quả đầu tư sẽ lớn. Thứ hai những gì có thể xã hội hóa được để cho dân đóng góp thì nên xã hội hóa. Đó là xu hướng rất tích cực. Thứ ba trên cơ sở đó sẽ giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!