Nghệ An: Chồng chất nợ từ xây dựng nông thôn mới
Đến nay toàn tỉnh Nghệ An đã có 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song, để đạt được mục tiêu về đích NTM, các địa phương này đang phải gánh tổng số nợ 615,5 tỷ đồng. Trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn trả nợ chủ yếu dựa vào việc bán đất, tăng thu và tiết kiệm chi tiêu ngân sách khiến các địa phương rơi vào cảnh bế tắc. Bởi nguồn thu có hạn, tiết kiệm không đáng là bao; việc bán đất gặp khó khăn do giá thấp, ít người mua…
Người dân Nghệ An góp sức làm đường giao thông nông thôn.
Nợ do thay đổi chính sách
Đến nay, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh Nghệ An là 615,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ đọng đối với các xã đạt chuẩn là 295,6 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các công trình, dự án như: Xây dựng trụ sở, đường giao thông trục chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã...
Tìm hiểu được biết, khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương áp dụng QĐ số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo QĐ nói trên, các địa phương được hỗ trợ 100% nguồn vốn cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã.
Sau đó, Chính phủ điều chỉnh chính sách, cơ chế hỗ trợ vốn, giai đoạn từ 2010 - 2020, hỗ trợ 100% từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa. Những xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã. Song trước đó, nhiều xã của Nghệ An đã huy động các nguồn vốn tạm thời xây dựng các hạng mục nêu trên, chờ ngân sách trung ương hỗ trợ để trả nợ dẫn tới việc mất cân đối nguồn vốn.
Mặt khác, căn cứ QĐ 800/QĐ-TTg, HĐND tỉnh Nghệ An quy định để lại 70% vốn thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất cho ngân sách xã nhằm thực hiện xây dựng NTM. Từ quy định của tỉnh, nhiều địa phương quy hoạch, tạo quỹ đất để khi tỉnh thực hiện chủ trương trích tỷ lệ 70% sẽ bán đất để trả nợ.
Tuy nhiên đến nay Nghệ An vẫn chưa thực hiện chính sách nói trên. Các xã chỉ được giữ lại 30% tổng tiền thu từ đấu thầu đất. Trong khi giá trị đất ở địa bàn nông thôn thấp nên các địa phương không huy động được đủ nguồn vốn để thanh toán nợ xây dựng NTM...
Loay hoay trả nợ
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng nợ đọng vốn xây dựng NTM ở 431 xã tại Nghệ An là 731 tỷ đồng. Trong đó, 109 xã đã về đích NTM nợ 480 tỷ đồng, bình quân mỗi xã nợ 4,3 tỷ đồng. Con số cung cấp của ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho thấy, đến cuối tháng 6/2017, các địa phương mới chỉ giải quyết được 136 tỷ đồng nợ NTM và còn nợ 615,5 tỷ đồng.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Hằng- Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Nghệ An cho biết: Tuy đang khó khăn về ngân sách nhưng tỉnh khuyến khích các địa phương ưu tiên trả nợ. Đối với những địa phương còn nợ đọng nhiều, tỉnh sẽ không cho khởi công các công trình mới. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, hiến đất mở đường giao thông nông thôn, góp công, góp tiền xây dựng nhà văn hóa…
Ngoài ra, để có tiền trả nợ xây dựng NTM, Nghệ An thực hiện việc tăng thu ngân sách địa phương ở cấp xã, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh, huyện, xã. Có chính sách hỗ trợ tăng thêm phần để lại từ nguồn thu bán đấu giá đất cho các địa phương.
Phấn đấu đến hết năm 2017 thanh toán hết nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM. Mặc dù đã có nhiều biện pháp tích cực để trả nợ NTM, song đến nay tổng số tiền 615,5 tỷ đồng Nghệ An vẫn còn nợ là cao so với mặt bằng chung cả nước. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu, Nghệ An khó có thể hoàn thành mục tiêu trả nợ như đã đề ra.