Hiu hắt một vùng tái định cư - Bài 1: Tưởng vui hóa băn khoăn
Là một trong những dự án di dân, tái định cư khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ…; với gần 70 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng sau gần 5 năm triển khai, khu tái định cư thôn Dìn (xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đang còn đó những bất cập.
Với gần 70 tỷ đồng được đầu tư nhưng hiện nay mới có 1 hộ dân nhập khẩu.
Từ huyện Vị Xuyên, theo con đường chỉ dẫn vào Ngọc Minh, leo qua những con dốc quanh co uốn lượn, khi còn cách trung tâm xã khoảng 500m, người ta chợt thấy bắt mắt với tấm biển xanh có dòng chỉ dẫn trắng có tên thôn Dìn. Đây là khu tái định cư có thể được coi là kiểu mẫu, với kinh phí đầu tư tương đối lớn của Hà Giang.
Khi dân kêu
Tuy nhiên, chỉ cần vượt qua thôn Bản Sám, nơi đầu đường dẫn vào khu vực tái định cư chừng độ 500m những hồ nghi về chất lượng của một công trình di dân tái định cư này sẽ đến với nhiều người. Được đưa vào kế hoạch cách đây 5 năm, sau 4 năm khởi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng cùng với đó là việc đón dân về mới được 2 năm nhưng con đường dẫn vào thôn Dìn đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng, tuy rất ít người đi lại. Mặt đường bê tông đã có những dấu hiệu bong tróc.
Gặp chúng tôi ở đầu con dốc dẫn vào khu tái định cư, ông Lô Xuân Ba đang hổn hển với từng nhịp thở cùng cây chuối rừng vác trên vai về làm thức ăn cho lợn, gà. Hỏi về con đường, về khu tái định cư thôn Dìn, với âm vực lỡ cỡ của người ít giao tiếp, ông Ba cho hay: Trước thấy máy ủi, máy xúc vào, rồi cả mìn nổ nữa, dân ở đây vui lắm.
Sắp có nhà, sắp có đất, lại thấy bảo có cả điện và nước sạch nữa, ai mà chả vui! Thế mà giờ thì nó thế đấy! Ông Ba lại thở dài ngao ngán rồi tiếp: Đường mới làm, có 2 năm thôi nhưng ngày một khó đi. Chả hiểu họ thi công kiểu gì nữa. Tôi thấy dân người ta bảo mấy ông thi công hình như bớt xén vật liệu (xi–măng) gì đấy nên nó mới thế. Chắc cũng phải thôi, dân chúng tôi ở đây, mấy đợt trước, Nhà nước cho xi–măng để làm đường, cũng tiết kiệm lắm nhưng đường nó vẫn tốt hơn con đường do mấy người trên tỉnh về làm!
Nỗi buồn Trưởng thôn
Lựa lách qua những lằn sỏi, đá do những trận mưa rừng dồn xuống mặt đường, bám theo suối, chúng tôi tìm vào với khu tái định cư. Gần trưa nhưng cả thôn Dìn vẫn hưu hắt người, lõm bõm chỉ vài ngôi nhà mới dựng xen lẫn những ngôi nhà cũ cùng làn khói mỏng tang phất phơ bay lên, cuộn những vòng tựa như dấu hỏi rồi lẫn vào mây trời.
Ngôi nhà tươm nhất trong thôn là nhà của Trưởng thôn có tên La Văn Lai. Dựng vội chiếc xe máy cùng bao ngô còi cuối vụ, anh Lai hồ hởi mời chúng tôi vào nhà. Tưởng chúng tôi là cán bộ trên tỉnh xuống bàn chuyện đưa dân về ở thêm nên ban đầu anh Lai vui lắm. Nhưng khi biết chúng tôi là ai, tìm vào với mục đích gì thì anh Lai lại buồn.
Anh Lai cho biết, trước do là trưởng thôn nên những đợt có cán bộ về, bàn chuyện xây khu tái định cư nên anh nắm được một ít thông số. Theo lời kể của anh Lai, khu này được hình thành, ngoài việc tái định cư cho các hộ dân nội vùng thì còn có chức năng đón 25 hộ dân ở vùng thiên tai, sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống… trên 2 huyện là Quản Bạ, Đồng Văn (ngoại vùng) di về. Mới đầu dân ở đây vui lắm. Nhưng khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì chờ mãi chả thấy dân ở 2 huyện trên đến.
Cũng theo tâm sự của ông Trưởng thôn, chả biết thế nào, năm ngoái có 3 hộ dân đã xuống đây. Nhưng không hiểu sao chỉ có 1 hộ quyết định nhập khẩu còn 2 hộ kia thì không. Sau một thời gian cấn cá, động viên mãi thì 3 hộ cũng bỏ luôn và không về ở nữa.
Về bất cập, ông Lai khẳng định, con đường xuống cấp nhanh chóng là có thật và ông cũng nghe chuyện người dân bàn tán về việc bớt xén vật liệu. Nhưng do chưa có cơ quan nào vào kiểm tra nên chưa có kết quả cụ thể. Về hạ tầng, theo ông Lai, tuy mới đưa vào sử dụng 2 năm nhưng hiện đã có dấu hiệu xuống cấp.
“Mấy cơn mưa vừa qua, đất bùn không hiểu sao đã tràn cả vào nhà dân, đặc biệt là 2 khu trường học của xã. Tới đây, để đảm bảo sự hoạt động cho thầy cô giáo và các em học sinh chắc phải mất nhiều công để dọn dẹp bùn đất đấy!” - ông Lai buồn và đưa đôi mắt dõi ra phía sườn núi. Nơi ấy, mây đang kéo về, báo hiệu một cơn mưa rừng nữa sắp đổ về!
(Còn nữa)