Liên kết doanh nghiệp bán lẻ: Chung bàn mà chẳng chung mâm
Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể, với sự mở cửa khá rộng để đón nhận sự góp mặt của hàng loạt các thương hiệu lớn từ nhiều lĩnh vực nổi bật như thời trang hay cửa hàng tiện lợi… Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, cánh cửa này vẫn chưa thật sự đủ rộng để nhằm mục tiêu bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa.
Doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn loay hoay tìm lối đi.
Linh hoạt không còn là ưu thế
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành bán lẻ Việt Nam liên tục chứng kiến cuộc đua tranh gay gắt giữa doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, và ưu thế nghiêng nhiều hơn về phía các nhà bán lẻ ngoại. Trong khoảng 2 năm gần đây, những “ông lớn” DN ngoại lần lượt bước chân vào thị trường bán lẻ và thâu tóm nhiều DN trong nước khiến cho người ta lo ngại, bán lẻ nội địa sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các DN bán lẻ ngoại xâm chiếm nếu như không có sự cải thiện, bứt phá.
Con số ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về DN nước ngoài. Tuy nhiên, con số thực được giới chuyên gia thống kê, còn lớn hơn rất nhiều. Với thực tế này, trong tương lai, hoạt động của các DN bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.
Ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ của Savills TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu làm một phép so sánh DN Việt Nam và nước ngoài sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt. Trong khi các DN bán lẻ ngoại có chiến lược bài bản, cẩn trọng với tầm nhìn dài hạn thì DN Việt Nam được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Bình, ở sân chơi quốc tế, sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trường mới ở các tỉnh. “Nếu muốn phát triển bền vững, các DN Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này”, ông Bình khuyến cáo.
Cũng theo nhận định của ông Bình, thực tế cho thấy các DN bán lẻ Việt Nam vẫn đang làm công việc thương mại là chính, bao gồm 2 giai đoạn: Xây dựng thương hiệu và bán hàng.
Lý do của tình trạng này không phải vì DN Việt Nam không muốn tiếp tục phát triển và xây dựng bền vững mà chủ yếu là bởi quy mô càng lớn thì khả năng vượt ra khỏi tầm kiểm soát càng cao. “Khi không thể vượt qua giai đoạn bão hòa và đi xuống, những người đứng đầu DN nội thường dễ đi đến quyết định chuyển nhượng và tìm cơ hội khác” – ông Bình nên lên thực tế.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Các DN nước ngoài sẵn sàng đổ vốn vào một số các DN nội để phục vụ mục đích phát triển, mở rộng thị trường bán lẻ trong một số các lĩnh vực như ẩm thực, giải trí, giáo dục…
Lĩnh vực sản xuất để phục vụ cho bán lẻ cũng có các bước chuyển dịch đáng kể, khi xu hướng sản xuất tại nước sở tại đang có chiều hướng tăng vì giá thành cạnh tranh hơn và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thói quen, thị hiếu tiêu dùng.
Vẫn loay hay… tìm lối đi
Trưởng bộ phận bán lẻ của Savills TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá, thị phần bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm trên 50% thị phần bán lẻ và xu hướng ngày càng tăng hơn. Để hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này, cần xét tới một thực tế là các nhà bán lẻ hiện đại Việt rất dè chừng về quy mô và số lượng, điều này lại tỉ lệ nghịch với năng lực của DN.
Mặt khác, dù tốc độ triển khai dự án của DN nước ngoài rất nhanh, trong khi DN trong nước đang loay hoay tìm lối đi, nguồn vốn… thì DN nước ngoài lại bỏ bớt các bước này mà nhắm tới thị phần, đây là điều tưởng chừng như khá “xa xỉ” đối với DN trong nước.
Đối với DN bán lẻ trong nước, việc khẳng định vị thế, chỗ đứng còn đang đầy chật vật thì chiếm lĩnh thị phần là một điều ngoài tầm với. Song song đó, sự ứng phó với “cơn sóng DN ngoại” của các DN trong nước luôn chỉ gói gọn trong các bước: Ngồi lại bên nhau - dự báo khả năng đối thủ và bàn bạc giải pháp.
“Sự trao đổi - rút kinh nghiệm là cần thiết nhưng thiếu hẳn sự đoàn kết và gắn bó trong một mục tiêu phát triển chung thì sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để có thể tìm được hướng đi, thoát khỏi tư thế “chung bàn mà chẳng chung mâm” hiện tại”, ông Bình khuyến nghị.
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các DN Việt cần phải ngồi lại với nhau, cùng liên kết và hoạch định những chiến lược dài hạn thay vì hoạt động lẻ tẻ như hiện nay. Đồng thời, một trong những yếu tố quyết định để DN bán lẻ nội đứng vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay chính là sự nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, hoạt động quảng bá của các DN trong nước.