Xếp hạng đại học: Cơ sở giúp người học tham khảo thông tin

Bảo Thoa 11/09/2017 09:55

Mới đây, việc lần đầu tiên có một nhóm nghiên cứu độc lập đứng ra công bố xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) ở Việt Nam đã được các chuyên gia giáo dục đánh giá đây là sự dũng cảm, tuy nhiên vẫn còn chưa bao quát được hiện trạng giáo dục ĐH hiện nay. Theo đó, nếu việc xếp hạng có sự hợp tác từ các trường ĐH Việt Nam có thể kết quả sẽ chính xác, đáng tin cậy và có cơ sở hơn.

Kết quả xếp hạng đại học sẽ giúp thí sinh có cơ sở để chọn trường. Ảnh: TL.

Có thể làm cơ sở tham khảo

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về nội dung công bố kết quả xếp hạng các trường ĐH Việt Nam. Nhiều băn khoăn được đặt ra việc xếp hạng của nhóm nghiên cứu dựa trên tiêu chí nào? Kết quả có đáng tin cậy hay không? Nhưng cũng có không ít quan điểm cho rằng, xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc xếp hạng ĐH, chúng ta nên ủng hộ nhóm nghiên cứu, để nhóm này tiếp thu những tiêu chí còn hạn chế, hoàn chỉnh và làm những nghiên cứu tiếp theo tốt hơn. Như thế nền giáo dục nước nhà mới tiến bộ được…
PGS.TS Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho hay, theo bảng xếp hạng này, Trường ĐH Cần Thơ được xếp thứ 6, trong đó tiêu chí “cơ sở vật chất và quản trị” xếp thứ 3, cá nhân ông cũng thấy hài lòng với đánh giá này. Nhìn nhận, bảng xếp hạng ĐH Việt Nam vừa được công bố, việc so sánh chung giữa các ĐH Quốc gia, ĐH vùng gồm nhiều trường thành viên với các trường đại học đơn lẻ cũng có phần chưa công bằng, nhưng theo ông, việc xếp hạng trường ĐH chỉ mang tính tương đối nên không thể đòi hỏi sự chính xác 100% được, vì thế chúng ta không nên tranh cãi nhiều về kết quả xếp hạng như đã công bố. Ông cho rằng bảng xếp hạng này cũng có giá trị tham khảo nhất định.

Việc xếp hạng giáo dục ĐH dù rất mới mẻ, nhưng sẽ góp phần tạo thương hiệu, động lực cho các trường ĐH Việt Nam. Bảng xếp hạng giáo dục ĐH của nhóm nghiên cứu độc lập mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn về việc xây dựng tiêu chí, mức độ tin cậy của kết quả…, cũng như là trở thành cơ sở để phụ huynh, học sinh tham khảo chọn trường ĐH thì chưa đạt được ý nghĩa như mong muốn. Song hầu hết các chuyên gia giáo dục đều khẳng định, cần phải ghi nhận sự nỗ lực và dũng cảm của nhóm nghiên cứu khi đưa ra bảng xếp hạng đầu tiên cho các trường ĐH Việt Nam. Đây là nỗ lực rất lớn của nhóm trong điều kiện hạn chế cả về nguồn lực con người, tài chính, và đây là điều đáng được ghi nhận.

Không thận trọng sẽ có tác dụng ngược

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT). Theo bà Phụng, trước hết Bộ GD&ĐT ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Tuy nhiên việc xếp hạng ĐH cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá trên một bộ tiêu chí khoa học được thực hiện theo những nguyên tắc, quy trình được nhiều người tham gia, với hệ thống tiêu chí đầy đủ, quy trình khoa học, thì kết quả xếp hạng mới có độ tin cậy cao, mới được tham khảo rộng rãi. Những kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì chỉ mang tính học thuật.

Phân tích về sự cần thiết của xếp hạng giáo dục ĐH, bà Phụng cho rằng trước hết, người học cần có thông tin về các trường để tham khảo, so sánh, lựa chọn một trường để theo học. Các nhà khoa học, người lao động cần thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp; các đối tác chọn nơi hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, đặt hàng đào tạo; các nhà tuyển dụng cần thông tin để chọn “sản phẩm đào tạo” của trường nào để sử dụng... Với các trường ĐH được xếp hạng, bảng xếp hạng với các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp các trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về các mặt hoạt động cơ bản, nâng cao uy tín; đồng thời giúp nhà trường đưa ra quyết định về chiến lược cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động, cạnh tranh lành mạnh để phát triển và nâng cao chất lượng, phục vụ người học, phục vụ cộng đồng. Các trường có thứ hạng cao sẽ dễ dàng thu hút sinh viên, tăng học phí để có thêm nguồn tài chính đầu tư cho chất lượng… Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo, tham khảo để xây dựng chính sách cho giáo dục ĐH.

Việc xếp hạng cũng góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng thực tế, hiệu quả hoạt động của các trường… để xã hội giám sát, tạo ra động lực cạnh tranh tốt trong toàn hệ thống…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng đưa ra thông tin cho rằng hiện nay, không phải nước nào cũng xếp hạng ĐH, ngay cả những nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này. Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị thật kỹ, thận trọng, kết quả đưa ra phải có sức thuyết phục. Tất cả các bảng xếp hạng cũng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, nếu làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm “nhiễu” thông tin xếp hạng. Thậm chí, có chủ thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi (công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế, thu học phí cao sau khi có kết quả xếp hạng không đúng thực tế; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng, không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng…)

Theo đó, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ ĐH đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.

Bảo Thoa