Bùng nổ dân số Pakistan: Khủng hoảng được dự báo trước

Linh Chi 12/09/2017 11:00

Trong suốt nhiều năm liền, tín hiệu bùng nổ dân số ở Pakistan đã xuất hiện một cách khá rõ ràng, khi các trường học ngày càng đông, các cơ sở y tế chật chội và nhiều cộng đồng nghèo xuất hiện. Đến nay, rất ít người hiểu về sự nguy hiểm của vấn đề này.

Bà Rubina Rehman tư vấn cho phụ nữ tại văn phòng của mình.(Nguồn: WashingtonPost).

Các kết quả sơ bộ từ các cuộc điều tra dân số mới - lần đầu được thực hiện là vào năm 1998 - cho thấy dân số Pakistan đã tăng tới 57% kể từ đó, và đang dần đạt tới con số 207,7 triệu người, khiến cho Pakistan trở thành quốc gia đông dân thứ 5 của thế giới, vượt qua Brazil, xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia.

Tỷ lệ sinh đẻ ở Pakistan, dù đang giảm dần, nhưng vẫn ở mức đáng báo động. Tính trên mỗi 1.000 người thì có 22 đứa trẻ được sinh ra.

"Quả bom bùng nổ dân số đang đặt tương lai toàn quốc gia vào chỗ hiểm nghèo" - nhà báo Zahid Hussain thuộc nhật báo Dawn của Pakistan, nhận xét - "Khi 60% dân số ở độ tuổi dưới 30, gần 1/3 người dân Pakistan thuộc diện nghèo và chỉ 58% có trình độ văn hóa, thì đây là một cuộc khủng hoảng được báo trước".

Theo chuyên gia dân số, các nguyên nhân chủ yếu của bùng nổ dân số ở Pakistan bao gồm các cấm kỵ tôn giáo, sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền và sự phớt lờ của người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Hiện nay, theo thống kê, chỉ có 1/3 phụ nữ đã kết hôn ở Pakistan sử dụng hình thức kế hoạch hóa. Ngay cả khi tỷ lệ sinh đẻ có chậm lại, thì một số chyên gia vẫn ước tính rằng dân số Pakistan có thể tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ, gây sức ép lớn đối với hệ thống cấp nước và vệ sinh, khiến ngành y tế và giáo dục quá tải, và đẩy hàng chục triệu người vào tình trạng thất nghiệp.

Một số người khác lại chú ý tới một viễn cảnh lớn hơn. Một trong số đó là Shireean Sukhun, một quan chức khu vực thuộc Cơ quan An sinh Dân số của tỉnh Punjab. Nhiệm vụ của bà là thuyết phục các gia đình Pakistan sinh ít con và cung cấp cho họ các biện pháp tránh thai.

"Chướng ngại mà chúng tôi đang gặp phải chính là nghèo khó và tình trạng thất học" - bà Sukhun nói - "Sẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi quan niệm của người dân, trong khi chúng tôi đang rất gấp rút".

Một trong số văn phòng chiến dịch của bà Sukhun là một căn phòng nhỏ ở Dhoke Hassu, một khu vực của tầng lớp lao động ở Raqqalpindi.

Bên trong, Rubina Rehman, một nhân viên an sinh, hàng ngày lắng nghe mọi vấn đề của phụ nữ về những đứa con của họ, những ca sinh nở khó cùng đủ loại vấn đề. Một khi cảm thấy đã thuyết phục được khách hàng, Rehamn sẽ bàn tới cách tránh thai cho họ.

Đây không phải một công việc dễ dàng bởi tất cả khách hàng đến đây là người Hồi giáo, và phần lớn được hưởng rất ít giáo dục văn hóa. Một số người còn được dạy từ bé rằng Chúa trời muốn họ phải sinh nhiều con. Nhiều phụ nữ còn bị chồng ép sinh con dù gia đình không đủ tiền để duy trì cuộc sống thường nhật.

"Khi chúng tôi lần đầu đến nay, phụ nữ rất ngại đến, một số còn hỏi tại sao chúng tôi chống lại việc tăng tín đồ Hồi giáo" - bà Rehman nói - "Chúng tôi giải thích rằng cần khoảng thời gian dãn cách 24 tháng giữa các đợt sinh, và rằng cần phải cân nhắc tới nguồn lực của gia đình khi ra quyết định sinh nở".

Hàng chục phụ nữ giờ đến với văn phòng của bà Rehman, một số mang theo cả trẻ sơ sinh. Một số thủ thỉ với bà Rehman rồi sau đó bỏ những viên thuốc tránh thai vào túi của họ. Một người phụ nữ tên Yasina, 35 tuổi, nói rằng bà mới được cấy ghép một thiết bị - một liều hormone được tiêm dưới da để tránh thai trong vòng vài năm.

"Tôi đã có 5 đứa con rồi, và thế là quá đủ" - bà Yasina nói.

Bên ngoài văn phòng, chợ búa và những ngõ ngách của khu vực Dhoke Hassu tràn ngập người tị nạn Afghanistan, người nhập cư đến từ tỉnh Punjab và nhân viên chính phủ. Một số người thể hiện niềm tin rằng Chúa trời sẽ nuôi sống mọi đứa trẻ được sinh ra. Nhưng nhiều người khác cho rằng điều quan trọng là phải cân đối giữa khả năng tài chính và tín ngưỡng của họ.

"Nếu như một nửa dân số của Pakistan là người trẻ tuổi, điều gì sẽ xảy ra với cuộc sống, công việc, nhu cầu của họ?" - Rizvi Salim, 29 tuổi, một nhân viên ngành đường sắt đang nuôi duy nhất 1 đứa con, nói.

Salim cho hay, anh từng được nuôi dưỡng trong gia đình gồm 7 anh em, nhưng ngày nay "mọi thứ đã thay đổi". "Chúng tôi thực sự tin rằng Chúa trời sẽ lo cho tất cả chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng cần có kế hoạch cho tương lai của mình", Salim nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có tinh thần như Salim. Phần lớn những người bảo thủ lại sinh sống ở vùng nông thôn, nơi tập trung tới 2/3 dân số Pakistan. Tại cuộc sống thôn làng, ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống và đạo Hồi mạnh mẽ hơn, trong khi tầm phủ sóng của các chiến dịch tuyên truyền mới của chính phủ lại bị hạn chế.

Linh Chi