Thu gom rác thải bảo vệ môi trường

Như Đồng 12/09/2017 08:15

Đó là chủ trương của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại và thu gom rác sinh hoạt tại gia đình, cùng với đó đầu tư trang thiết bị thu gom rác thải, chính nhờ vậy mà việc thu gom rác thải đã đem lại hiệu quả.

Xe thu gom rác thải của Công ty cổ phần Điện và Môi trường huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Để giải quyết triệt để bài toán rác thải sinh hoạt trên địa bàn, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đến các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, huyện đã xây dựng Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lí với các giải pháp rất chi tiết. Hiện nay Công ty cổ phần Điện và Môi trường Sơn Tịnh (Cty MTST) đã thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt ở 11/11 xã từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Phương tiện gồm có 1 xe chuyên dùng và 1 xe tải loại 2,5 tấn. Khối lượng rác thải bình quân thải ra 1 ngày là 3,45kg/hộ gia đình, mỗi năm Công ty thu gom 4.000 - 4.500 tấn rác được thu gom để xử lý tại bãi rác Đồng Nà (hiện nay là bãi rác Nghĩa Kỳ). UBND huyện đã trang bị thùng đựng rác cho 11 xã, mỗi xã 10 thùng và 1 xe ép rác.

Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, Cty MTST đã thực hiện gần 1.000 chuyến, với gần 2.500 tấn rác thải. Ông Trần Quang Minh-nhân viên phụ trách môi trường của Cty cho biết, ngoài 11 xã trên địa bàn huyện, Cty còn thực hiện thu gom rác thải ở Khu công nghiệp Tịnh Phong.

Tại xã Tịnh Hà, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện sống ngày một nâng cao kéo theo lượng rác thải phát sinh ngày một gia tăng.

Chính vì vậy, công tác vận động người dân thực hiện bảo vệ môi trường đã và đang thực hiện trên địa bàn xã được đa số người dân đồng tình ủng hộ và tham gia. Hiện số hộ tham gia thu gom rác thải là hơn 800 hộ.

Ông Lê Trung Tín- người dân thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà cho biết: “Từ ngày có thu gom rác thải thì đường xá quá sạch sẽ, môi trường trong sạch”.

Tuy nhiên, việc phân loại rác thải chưa triệt để tại hộ gia đình và các nơi phát sinh một phần là do ý thức, phong tục tập quán vẫn còn tồn tại, vẫn còn một số hộ ở ven đường, ven sông thì thường vứt rác thải ra sông, ao hoặc ra đường. Hơn nữa kinh phí cho công tác môi trường còn hạn chế nhưng lượng rác thải phát sinh lại lớn.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thực hiện tốt việc phân loại rác; tiếp tục hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải.

Đặc biệt, huyện sẽ tập trung xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải như thu gom, xử lý tại hộ gia đình đối với khu vực các xã có mật độ dân cư thưa, các hộ gia đình có diện tích đất vườn rộng nhằm tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón phục vụ nông nghiệp.

Như Đồng