Hiu hắt một vùng tái định cư - Bài 2: Mòn mỏi chờ đợi

Triệu Nguyễn 12/09/2017 07:35

Hiện nay, khu tái định cư thôn Dìn đang bộc lộ nhiều dấu hiệu bất cập, trong đó nỗi lo lớn nhất là việc người dân không hợp tác và không chịu tìm về để định cư.

Thông tin gần đây chúng tôi tiếp nhận được từ Chi cục Kinh tế hợp tác Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang – đơn vị triển khai Dự án Khu tái định cư thôn Dìn thì hiện nay Chi cục đang phải chuyển hướng sang việc di và lấy dân từ huyện Hoàng Su Phì – một trong những huyện không có chủ trương từ ban đầu đưa dân ra để “lấp đầy” khu tái định cư.

Bao giờ thôn Dìn đủ dân về sinh sống?

Sao dân không về?

Trong Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối tượng áp dụng (như Khu tái định cư thôn Dìn) là: Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng; hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng; du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường, tác động phóng xạ.

Về kinh phí, Quyết định số 1776/QĐ-TTg cũng quy định: Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được duyệt, bao gồm các hạng mục: Bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); thủy lợi nhỏ, công trình cấp nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.

Ngoài 2 vấn đề cơ bản trên, Quyết định số 1776/QĐ-TTg còn quy định: Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh mức hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai được hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30 kg gạo/người/tháng.

Được ưu ái và tận dụng hỗ trợ tối đa như vậy nhưng tại sao người dân được di chuyển đến chỗ được coi là thuận lợi hơn, vùng thấp hơn như khu tái định cư thôn Dìn lại không về?

Trở lại câu chuyện của ông Trưởng thôn La Văn Lai, theo ông, sở dĩ người dân không về ngoài lý do xuống cấp của đường, của mặt bằng mà người ta đã thấy thì lý do lớn nhất là về đất canh tác. Đất canh tác thì có đấy, được chia đấy nhưng đường sá để đi vào nơi canh tác lại xa quá.

Từ thôn, vào đến vùng canh tác mới cho các hộ dân nếu được di dời cách khoảng 3 km. Nhưng có điều đặc biệt là muốn đi vào nơi sản xuất, canh tác thì chỉ có đi qua đường mòn, phải đi bộ chứ các phương tiện khác, đơn giản nhất là xe máy cũng không vào được.

Thế nên mới có chuyện, có hộ dân xuống nhận đất làm nhà thì ưng ý, nhưng khi nhận đất canh tác thì họ lại lắc đầu nguây nguẩy và cho biết: Trên chỗ cũ, chỗ nương xa nhất xe máy còn vào được vậy xuống đây làm gì?

Với người dân, nương rẫy là chuyện sống còn, đối với đất sản xuất và đi lại như hiện nay ở thôn Dìn âu cũng là điều dễ hiểu khi họ đưa ra lý do để từ chối!

Người trong cuộc nói gì?

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đặt vấn đề và chuyển tải thông tin nắm bắt được cho Chi cục Kinh tế hợp tác Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, mà cụ thể hơn là cá nhân ông Nguyễn Chí Hướng – Chi cục trưởng.

Đúng 1 năm trước, chúng tôi đã gặp và đã có buổi trao đổi với ông Hướng, ông Hướng có hứa hẹn và cho biết: Chúng tôi chưa thất bại ở một dự án di dân nào và các khu di dân do chúng tôi lựa chọn, xây dựng đều “đắt khách”! Còn về chất lượng công trình, ông Hướng cũng cho biết: Chúng tôi sẽ cử người đi kiểm tra.

Tuy nhiên, sau 1 năm, trước những ta thán của dân, chúng tôi đã tìm vào khu tái định cư để xác định hiện trạng và đặt lịch làm việc lại với cá nhân ông Nguyễn Chí Hướng.

Tuy nhiên ông Hướng cho biết mình đang nằm viện và không cử người thay mặt để cung cấp số liệu vì theo ông những người có chuyên môn đều đang lên huyện Hoàng Su Phì để tìm đón dân, đưa 20 hộ về Khu tái định cư thôn Dìn (khi dân ở nằm trong chương trình ở 2 huyện Quản Bạ, Đồng Văn không về).

Để rõ hơn về chất lượng công trình, chúng tôi đã tìm đến Công ty TNHH Đức Tiến. Tuy nhiên, bỏ công tìm đến khá nhiều lần nhưng lúc nào chúng tôi cũng gặp tình trạng cửa đóng then cài…

Bao giờ người dân muốn về khu tái định cư thôn Dìn? Bao giờ gần 70 tỷ đồng do ngân sách nhà nước chu cấp này mới phát huy được giá trị? Có lẽ lại phải chờ thời gian!

Triệu Nguyễn