Vĩnh biệt nhà thơ Phan Duy Nhân: Trầm luân nào có chừa ai

Dương Quảng 20/07/2017 09:10

Tối 8/7 các bạn nhà báo từ thành phố Hồ Chí Minh và từ Đà Nẵng gọi điện thương tiếc báo tin cho tôi nhà thơ Phan Duy Nhân, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, một người bạn thân thiết của chúng tôi đã ra đi. Tuy biết trước ngày anh Phan Duy Nhân từ biệt chúng tôi về nơi vĩnh hằng không còn xa nhưng tin anh mất vẫn làm cho tôi bất ngờ và thật sự đau buồn.


Nhà thơ Phan Duy Nhân tại cuộc họp mặt Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (1970-1975), tháng 3/2010.

Tôi quen biết anh từ năm 1974 tại tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ. Anh Phan Duy Nhân, tên thật là Phan Chánh Dinh, sinh năm 1941, quê ở Quảng Trị, nhưng lại sống từ nhỏ ở Đà Nẵng. Anh tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, là thương binh, trải qua ba lần bị thương và ba lần bị địch bắt, tù đầy, trong đó có 6 năm bị giam ở nhà tù Côn Đảo. Cuộc đời của anh thật nhiều thăng trầm, như anh nói “trầm luân nào có chừa ai!”.

Năm 1966, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Thành ủy, Phan Duy Nhân được cử tham gia hoạt động công khai trong phong trào đấu tranh của Phật giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Nẵng.

Anh là Ủy viên Thường vụ của Ban lãnh đạo “lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, phụ trách kế hoạch tranh đấu; Ủy viên liên lạc miền Vạn Hạnh của Phật giáo miền Trung, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đồng thời là cán bộ đấu tranh chính trị của Thành ủy Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh nổi dậy làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm.

Sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, bị lộ, Phan Duy Nhân phải thoát ly lên chiến khu. Tết Mậu Thân năm 1968, anh được giao làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời TP Đà Nẵng khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chiến thắng.

Sáng mùng 1 Tết, anh dẫn đầu cuộc biểu tình, thị uy của bà con phật tử và đồng bào TP Đà Nẵng từ trung tâm thành phố đi chiếm trụ sở chính quyền. Đoàn biểu tình kéo từ Chùa Tỉnh hội Phật giáo ra đường Ông Ích Khiêm thì bị địch đàn áp. Phan Duy Nhân bị bắn gãy chân và bị bắt đem về Ty Cảnh sát Gia Long và ngày 16/9/1968 bị đày ra Côn Đảo. Năm 1970, do có một người bạn tù cùng bị giam với anh bị tra tấn đến chết, tin tức trong tù đưa ra làm nhiều người lầm tưởng anh đã hi sinh.

Sau khi người em gái của anh bị chết đuối, rồi người em trai tật nguyền lại bị bom Mỹ giết, mẹ anh đã khóc hết nước mắt, nay lại nghe tin anh - người con duy nhất còn lại bị chết trong tù, bà cụ phát bệnh, bị tâm thần rất nặng. Còn cha anh nghẹn ngào tìm tấm ảnh anh để lại, phóng to, lập bàn thờ để thờ người con còn lại đã hi sinh trong tù, lấy ngày được bạn bè của con báo tin làm ngày giỗ anh.

Cuối tháng 3/1975, Đà Nẵng được giải phóng, Phan Duy Nhân, lúc này lấy tên là Nguyễn Chính, bất ngờ gặp lại một người em họ vừa "di tản" từ Huế vào Đà Nẵng. Biết tin cha mẹ còn sống, anh viết vội lá thư nhờ người em họ mang về báo tin cho cha mẹ biết anh đã từ Côn Đảo trở về.

Người em họ mang lá thư của anh về giữa lúc cha anh đang chuẩn bị cơm cúng vào đúng ngày giỗ anh. Ông vội vào Đà Nẵng, gặp anh trong nghẹn ngào nước mắt. Hôm sau trở về nhà ông dẹp bàn thờ đã 5 năm hương khói cho người con trai, nay người con ấy trở về, mừng mừng, tủi tủi.

Sau ngày giải phóng, Nguyễn Chính lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau; đầu những năm 1990, anh được điều động ra Trung ương, làm Phó Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, sau đó được giao làm Quyền Trưởng ban.
Nhưng rồi tôi thấy anh đột ngột chuyển về Ban Dân vận Trung ương, làm chuyên viên cao cấp về tôn giáo của Ban. Rồi năm 1998, lại thấy anh trở lại làm Phó ban Tôn giáo của Chính phủ, phụ trách phía Nam. Sau này tôi mới biết, thời gian chuyển về Ban Dân vận Trung ương và trước đó trên 25 năm, anh đã gánh chịu một "kiếp nạn chết người", mà trong một thời gian dài chính anh cũng không hề biết.

Có người gửi đơn tố cáo Nguyễn Chính đã đầu hàng, khai báo và có hành động phản bội trong thời gian bị bắt và bị tù. Đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề bạt ông làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ thì việc này lại được đưa ra.
Sau thời gian anh chuyển về Ban Dân vận Trung ương, sự việc được xác minh lại. Thì ra có một người trùng tên Nguyễn Chính với anh, cũng bị bắt và bị tù Côn Đảo như anh, đã đầu hàng, phản bội.

Song, điều khác biệt là người đó nhiều tuổi hơn anh, bị bắt trước anh, ra tù cũng trước anh, khi ra tù đã trình báo với tổ chức tất cả những việc mình làm và đã bị xử lý kỷ luật. Người đó vẫn còn sống và đã gặp những người được giao đi xác minh sự việc. Thế là sự thật được sáng tỏ!

Phan Duy Nhân không chỉ gặp những chuyện không vui như thế trong công việc. Trong cuộc sống riêng tư, anh cũng không phải là người gặp may mắn. Năm 1979, trong khi đi công tác ở miền núi Quảng Nam, anh được tin cha ốm, tự tìm vào bệnh viện rồi mất trong đó.

Mẹ Phan Duy Nhân càng buồn hơn và bệnh tâm thần càng nặng thêm, gặp con nhưng bà lại gọi bằng ông như gặp một người khách lạ. Rồi, ở tuổi ngoài 90 bà xin vào sống trong chùa rồi mất tại đó.

Cưới vợ được ít ngày, Phan Duy Nhân rời thành phố ra căn cứ. Khi vợ có thai 5 tháng, anh thoát ly hẳn, nên vợ sinh anh không biết mặt con. Sau đó anh lại bị bắt, bị tù 6 năm ở Côn Đảo, đến khi gặp thì con đầu lòng của anh đã gần 10 tuổi.

Sau giải phóng vợ chồng anh có thêm một cháu gái út; khi cháu 19 tuổi, đang học đại học thì chẳng may gặp tai nạn, bị bỏng gần như toàn thân… Và còn bao nhiêu chuyện buồn khác mà anh đã gặp trong đời, như "Những nỗi đau âm thầm/ Khối tình chôn giữa ngực."

Về hưu anh Phan Duy Nhân sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng cuộc đời trầm luân vẫn không buông tha anh. Gần chục năm nay anh bị tai biến mạch máu não, lại bị mổ tim nên sức khỏe mỗi ngày một sa sút nghiêm trọng. Nhiều năm anh phải nằm một chỗ, lúc nhớ lúc quên.

Anh Phan Duy Nhân là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam trong những năm chống Mỹ. Năm 2015 bạn bè chiến đấu năm xưa góp công góp sức tìm kiếm những bài thơ của anh in rải rác trên sách báo từ trước 1975 và cả sau 1975, tổ chức viết bài để in ấn cuốn sách “Phan Duy Nhân-Thơ & Đời”, như một món quà của bè bạn tặng anh và Báo Đại Đoàn Kết đã có nghĩa cử tốt đẹp tổ chức trọng thể buổi giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc ở thủ đô Hà Nội trong những ngày anh mang trọng bệnh.

Tháng 4/2017, trong khi anh Phan Duy Nhân đang phải nằm cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất thì một tin đau buồn đến với anh: Chị Ngân Hà, vợ anh, người gần chục năm nay chăm sóc từng thìa cháo viên thuốc cho anh khi anh bị bạo bệnh đã từ giã anh ra đi vì bị bệnh ung thư. Các con anh phải giấu anh tin đau buồn này cho đến gần đây khi anh từ bệnh viện trở về nhà. Thế rồi, ngày 8/7/2017 anh Phan Duy Nhân, một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, một người “trầm luân nào có chừa ai” cũng lại từ biệt con cháu, bạn bè để về với chị Ngân Hà ở nơi vĩnh hằng!

Xin vĩnh biệt anh Phan Duy Nhân, một nhà thơ, một người bạn thân thiết của tôi suốt mấy chục năm qua.

Dương Quảng