Dự án Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ: Quy trách nhiệm nếu không hoàn thành tiến độ
Mới đây, trong cuộc họp nhanh kiểm tra tình hình cung cấp nước sạch và xử lý thoát nước thải trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ phải hoàn thành vào giai đoạn tháng 2/2018 tới, nếu không sẽ quy trách nhiệm cụ thể.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ.
Báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về tiến độ hiện tại của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Lộc- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ cho biết: hiện dự án đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chất lượng xử lý nước thải đầu ra đã đạt tiêu chuẩn cột A để xả ra môi trường theo tiêu chí mới.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, dù công nghệ hiện tại của nhà máy đã đáp ứng xử lý đúng theo công suất thiết kế là 30.000m3/ngày, đêm, (tương đương 1.250m3/giờ), nhưng trước mắt hệ thống đấu nối, thu gom nước thải vẫn chưa đủ đáp ứng công suất này…
Ông Thống yêu cầu, đến cuối tháng 2/2018 dự án phải hoàn thành tất các các hạng mục, vận hành, nghiệm thu, quyết toán… không thể gia hạn thêm nữa. Nếu hết thời gian quy định mà chưa vận hành sẽ quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân tổ chức để dự án chậm trễ. Gọi Dự án Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ là dự án “thế kỷ”, ông Thống yêu cầu siết lại công tác quản lý đặc biệt thay cho cách quản lý cũ.
Theo đó, ông Võ Thành Thống yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ phải có cơ chế quản lý đặc biệt để làm sao dự án phải hoàn thành đúng thời gian quy định, nếu không sẽ quy trách nhiệm cụ thể. Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đây là thời hạn chót cho dự án này, không thể gia hạn thêm.
Chủ tịch UBND thành phố đã phân công bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều phối quá trình thực hiện; chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính; các sở ngành có liên quan là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Trong đó Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính trong tham mưu UBND thành phố lựa chọn nhà thầu, tiếp quản vận hành nhà máy sau khi hoàn thành.
Như báo Đại Đoàn Kết số 310, ngày 5/11/2016 có bài: “Dự án khủng ở Cần Thơ: Ì ạch cả chục năm trời”, đã thông tin Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ” có tổng mức đầu tư hơn 19 triệu Euro (tương đương hơn 494 tỷ đồng) trong đó Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ hơn 281 tỷ đồng (gần 10,5 triệu Euro), số còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư được phê duyệt vào năm 2003, thi công vào năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng công trình này phải mất 9 năm mới có thể vận hành thử nghiệm năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, khiến dư luận bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi...
Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải nhằm góp phần cải thiện môi trường đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường tự nhiên thành phố, đặc biệt là kênh rạch và các hồ cảnh quan kết hợp thoát nước KCN Nam Cần Thơ.
Bà Võ Thị Hồng Ánh- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, do quá trình thay đổi địa giới hành chính từ những năm 1990 đến nay, dẫn tới các quy định cũng thay đổi, cải tiến.
Cũng theo bà Ánh, do thời gian kéo dài nên vật giá tăng cao từ 14,5 triệu Euro lên 18 triệu Euro, phải điều chỉnh giá trị xây lắp trong khi nhà tài trợ không bổ sung thêm kinh phí nên địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra thay đổi vị trí nhà máy xử lý nước thải và các tuyến cống nên phải khảo sát lại địa chất…Bên cạnh đó, đây là dự án xử lý nước thải sử dụng nguồn vốn ODA đầu tiên của Cần Thơ, nên trong quản lý, triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.