Vẫn nóng chuyện VNEN
Hiệu quả của mô hình trường học mới (VNEN) lâu nay đã gây nhiều tranh cãi khi có địa phương khẳng định là tốt, không chỉ tiếp tục triển khai mà còn mở rộng phạm vi áp dụng. Ngược lại, có địa phương quyết định dừng hẳn VNEN. Còn đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, Bộ không “buông tay” mà sẽ cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN.
Học sinh học theo mô hình VNEN. (Nguồn: VNN).
Gần đây nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN tại Việt Nam với nhận định VNEN đã tạo ra tác động rất tích cực cho học sinh. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, kết quả bỏ phiếu của các bậc phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) cho thấy, 96% phụ huynh đồng thuận lựa chọn sách giáo khoa hiện hành, “nói không” với VNEN.
Theo công bố của WB, nghiên cứu được thực hiện trên số lượng mẫu là 325 trường VNEN đại diện cho cả nước và 325 trường không thuộc VNEN với hàng ngàn học sinh, giáo viên và phụ huynh trong vòng 3 năm (2013-2017). Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng VNEN có tác động nhất định đến cả năng lực nhận thức và phi nhận thức của học sinh.
Cụ thể, đối với kỹ năng phi nhận thức, những học sinh tham gia VNEN cũng được cải thiện xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản thời gian và giữ lời hứa. Học sinh VNEN cũng có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ/quan tâm tới anh chị em/bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác. Học sinh VNEN có phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, bao gồm nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp. Đồng thời, cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh, bao gồm năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật và thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng.
Đặc biệt, học sinh VNEN có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn so với học sinh ở lớp học truyền thống. Từ lớp 3 tới lớp 4 và tới lớp 5, không có sự cách biệt lớn giữa hai nhóm.
Với phụ huynh, qua khảo sát 6.000 cha mẹ học sinh trong tổng số những người đã biết về mô hình VNEN (chiếm khoảng 54% trên tổng số mẫu) thì có tới 85% cha mẹ học sinh bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình VNEN.
Ở chiều ngược lại, như đã nói, kết quả phiếu lấy ý kiến phụ huynh về việc lựa chọn sách giáo khoa làm tài liệu dạy học của Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) cho thấy có tới 96% phụ huynh đồng thuận lựa chọn sách giáo khoa hiện hành, “nói không” với VNEN. Đây không phải là lần đầu các bậc phụ huynh của trường có kiến nghị bỏ VNEN mà sau một thời gian học, thấy chương trình không thích hợp, sự tiến bộ của con em không đạt yêu cầu, các bậc phụ huynh đã phản đối nhưng đến nay, sau 2 năm mới được giải quyết.
Trước đó, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp với đại diện phụ huynh học sinh 9 lớp theo học VNEN của Trường THCS Hưng Dũng kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng không tìm được tiếng nói chung. Về phía UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh chỉ đạo triển khai VNEN trên cơ sở áp dụng các yếu tố tiên tiến, có sự tự nguyện, có cam kết của phụ huynh. Nếu phụ huynh không đồng ý, sẽ bỏ VNEN. Nói như bà Nguyễn Thị Kim Chi- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh này thì “giáo dục không thể ép buộc”.
Trở lại với kết quả đánh giá của WB, về phía Bộ GDĐT, ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo của WB là khách quan. Tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá. Một hạn chế khác của nghiên cứu là những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN cần được phân tích một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết thì báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.
Thực tế triển khai cho thấy, khi áp dụng VNEN đa số các trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và đã tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi, do nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ về phương pháp giáo dục theo VNEN; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên,… và trong khi triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
“Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo VNEN còn hạn chế và nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng”- ông Hữu nói. Với những trường đang tiếp tục triển khai VNEN, ông Hữu nhấn mạnh, Bộ GDĐT sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, cả nước có 4.393 trường tiểu học (chiếm 29,2%) với 1.542.863 học sinh (chiếm 19,8%) thực hiện VNEN. Đó là con số không nhỏ. Một mô hình giáo dục mới là cần thiết khi mà chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản nền giáo dục. Tuy nhiên, khi mô hình giáo dục đó vẫn nhận được những ý kiến trái chiều, đặc biệt là có một số địa phương sau thời gian áp dụng trong thực tế đã có phản ứng. Không chỉ với giáo viên trực tiếp đứng lớp, cán bộ quản lý giáo dục mà ngay cả phụ huynh cũng phản đối, bày tỏ nhiều lo lắng về việc học theo VNEN. Như vậy là rất cần phải được bình tĩnh nhìn nhận, khảo sát, đánh giá một cách khách quan. Không vội vã phủ nhận một mô hình giáo dục mới, nhưng cũng không thể vội vã áp dụng đại trà, hoặc là cố “cứu vãn” một ý tưởng được đưa ra trước đó.
Giáo dục con người là khoa học mang tính nhân văn sâu sắc. Việc thử nghiệm cũng có thể đặt ra nhưng không thể lấy học sinh làm thí nghiệm. Mô hình giáo dục nào đó có thể tốt ở nơi này nhưng lại không tốt ở nơi khác, vì đó là vấn đề con người.