Nhà thơ Thanh Tùng đã ra đi, về miền hoa đỏ

An Vũ 13/09/2017 10:19

Nhà thơ Thanh Tùng -tác giả của bài thơ nổi tiếng “Thời hoa đỏ”, đã tạ thế vào lúc 21h50, ngày 12/9, tại nhà riêng, hưởng thọ 83 tuổi.

Chân dung nhà thơ Thanh Tùng (Ảnh: VnExpress).

Nhà thơ Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng), sinh ngày 17/11/1935 tại Nam Định. Ông có rất nhiều năm sinh sống, gắn bó với Hải Phòng. Vì vậy, thơ của ông, là tổng hòa của chiều sâu văn chương mơ mộng đậm chất thành Nam, cùng sự khí khái mạch lạc thẳng băng tính cách người dân đất Cảng.

Từng làm nghề khuân vác, đến công nhân đóng tàu, thậm chí tham gia áp tải hàng hóa chống cướp giật trên đường 5 (từ cảng Hải Phòng về Hà Nội), nhà thơ Thanh Tùng trong nhọc nhằn khốn khó cũng chưa từng rời bỏ thơ.

Với ông, thơ là cứu cánh tâm hồn, là niềm vui, là sự chia sẻ với người thân, bạn hữu. Bài thơ “Thời hoa đỏ” của ông, không chỉ đậm chất Hải Phòng – một thành phố mỗi khi hè về, giăng đầy màu phượng đỏ, mà còn là nỗi da diết đầy yêu thương nuối tiếc về mối tình dang dở với vợ cũ. Ông viết bài thơ sau khi về Hải Phòng, dự lễ tang của bà. Cũng từ đất Hải Phòng, rất nhiều bài thơ đã ra đời.

Đến năm 60 tuổi, theo lời khuyên của bạn bè, ông du hành phương Nam, trên vai là một ba lô nhỏ. Cũng từ mối mai bạn hữu, ông lập gia đình lần thứ hai, với một nữ cựu thanh niên xung phong. Người Nam Bộ - đã mở lòng ra với ông, và tặng ông một mái nhà. Từ đây, “Trường Ca Phương Nam” ra đời.

Thơ của Thanh Tùng, là câu chuyện đời sống của ông, cũng là những dư vị tình cảm của chính ông. Đọc thơ Thanh Tùng, thấy được ngay tâm hồn cởi mở, nhân hậu mà cũng vẫn vương sự tổn thương. Thơ của ông là tiếng nói tâm hồn ông. Vì thế, khi đã mến thương thơ Thanh Tùng, thì cũng dễ cảm tình với nhà thơ Thanh Tùng ngoài đời. Ông sống giản dị, chân thành, vì vậy cũng nhận về nhiều tình cảm chân thành giản dị của đồng nghiệp, bạn hữu cùng độc giả.

Nhà thơ Thanh Tùng, là người dễ xúc cảm, nước mắt nhanh rơi, điều này khác với cứng cỏi xen lẫn mềm mại nhẫn nại trong thơ của ông. Chứng kiến một câu chuyện buồn, nghe bạn đọc thơ, hay đứng giữa tình cảm của người người dành cho nhau, cũng đủ để ông xúc động rơi lệ.

Ngay sau khi nhà thơ Thanh Tùng trút hơi thở cuối cùng, các nhà thơ Saigon, đã truyền cho nhau thông tin này với niềm tiếc nuối vô hạn. Linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh (25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ lúc 10h sáng ngày 13/9. Lễ động quan vào lúc 12h ngày 15/9 (nhằm 24/7 Âm lịch). Sau đó thi hài ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Hà Nội

Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận
Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy
Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân
Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác
Tôi lại về đánh cắp
Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên
Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm
Tôi rung lên mỗi khi chạm bóng cửa ô
Như được chạm vào vai gầy áo mẹ
Tôi bé nhỏ và tôi vẫn thế
Trái tim luôn xao động
Như bên trong vẫn đầy ắp sóng Hồ Tây

Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng kịp nhận ra từng con phố
Nhưng trong tôi vững bền đến thế
Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò
Những vòm cổ nghiêng xuống tôi hơi ấm
Thầm thì lời của rêu phong
Sâu đến nỗi bàng hoàng lạc tới ngàn năm

Những chiều thu hăm hở tôi đi
Hồn đánh võng với hơi giăng thấp thoáng
Từ gốc cây già đến mặt hồ sương
Từ ngàn xưa đến tận hôm nay
Quán ngập lá và mắt em đen thế
Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi!

Tôi vẫn về Hà Nội của tôi
Sau những ngày dài khô khốc
Để thẫn thờ uống từng vết nắng mưa
Chạy mệt nhoài trên những quảng trường sạm gió
Mỗi lần ra đi

Nặng nề như có chửa
Và vội vàng của một kẻ tham lam
Vì bất cứ vòm cây nào trên những đại lộ
Cũng có thể đòi tôi trả lại màu xanh!

Nhà thơ Thanh Tùng (Doãn Tùng)

*Bài thơ đã được Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc: “Hà Nội ngày trở về”

An Vũ