Mua thuốc không cần toa: Hậu quả khôn lường
“Không quá khi nói rằng, việc mua- bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Người Việt cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống”- TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.
Ảnh: TL.
Căng thẳng tình trạng lạm dụng thuốc
Quen với việc mua thuốc phải có đơn của bác sĩ nên rất nhiều người nước ngoài sang Việt Nam tỏ ra khá ngạc nhiên khi việc mua thuốc ở Việt Nam lại đơn giản đến vậy.
Chẳng cần đến đơn bác sĩ người ta vẫn vô tư ra hiệu mua thuốc, ai cẩn thận hơn thì kể bệnh rồi nhờ luôn người bán thuốc kê đơn mà không lường trước được hậu quả.
Một bà mẹ có con bị ho, thay vì đưa con đến gặp bác sĩ, bà lấy đèn pin soi vào họng con, thấy có hiện tượng sưng đỏ, thế là ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho con uống. Vài lần như thế, đứa trẻ bị nhờn thuốc, loại kháng sinh đó không còn tác dụng nữa.
Một bà mẹ khác thấy con còi, lười ăn, nghe mọi người nói uống men tiêu hóa con sẽ ăn ngon, thế là mỗi ngày cô bèn bổ sung thêm cho con vài gói men cho con tiêu hóa.
Uống hết ngày này qua ngày khác, kết quả là tính biếng ăn của con không được cải thiện, mà tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ nặng thêm.
Đưa con đi khám tiêu hóa được bác sĩ giải thích mới té ngửa mình đã vô tình hại con khi nguy cơ cơ thể bé sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào men tiêu hóa được uống vào.
Mới đây nhất, một thanh niên ở Sơn La vừa tử rong do uống 19 viên paracetamol trong hai ngày để hạ sốt. Uống thuốc quá liều lại thêm tiền sử viêm gan B nên thanh niên này đã tử vong sau 2 ngày nhập viện…
Có thể thấy, rất nhiều di chứng để lại, thậm chí nhiều vụ tử vong do hậu quả của việc tự ý mua thuốc về uống. Thời gian gần đây, các chuyên gia y tế liên tục cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng kháng kháng sinh.
“Không quá khi nói rằng, việc mua- bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Người Việt cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống”- TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.
Theo TS Kính, nước ta có quy định kháng sinh là loại thuốc bán theo đơn nhưng việc thực thi lại là chuyện khác. Có đến 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ, trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm. Trong khi đó, hầu hết kháng sinh thế hệ cũ, thậm chí một số loại mới đã không còn hiệu quả.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh không chỉ ở người dân mà ngay cả ở ngành y. Hiện nay để điều trị bệnh, nhiều bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý, có bác sĩ không chỉ dùng một mà phối hợp nhiều loại.
Theo khảo sát của BV Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…
Báo động kháng kháng sinh
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta. Theo ông, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.
Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị.
Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động, không chỉ ghi nhận một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh...
Qua nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng.
Trong đó tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.
Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
PGS TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.Nguyên do, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.
Cơ quan này cũng đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kháng sinh, có nghĩa là các kháng sinh sẽ ngày càng trở nên vô dụng do vi khuẩn kháng lại thuốc.
Chúng ta có thể sẽ sớm cạn kiệt mọi kháng sinh mới và sẽ bắt đầu chết vì những nhiễm trùng mà chúng ta đã học được cách điều trị từ 100 năm trước.