Tiếng Anh trong trường phổ thông: Học cho có hay để ứng dụng?

Bảo Thoa 15/09/2017 08:10

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ sửa đổi Đề án ngoại ngữ đến năm 2020, theo hướng đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập…

Dẫu thế, từ thực tế giảng dạy tiếng Anh lâu nay, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: chúng ta học tiếng Anh cho có hay giúp các em ứng dụng vào thực tế?

Việc dạy tiếng Anh trong trường tiểu học và THCS vẫn chưa thống nhất (Ảnh: TL).

Chưa có khung chương trình chuẩn

Đơn cử như ngay tại Hà Nội, việc dạy tiếng Anh trong trường tiểu học và THCS không thống nhất mà mỗi nơi một kiểu. Đó là hình thức nhà trường liên kết với các Trung tâm ngoại ngữ, giáo trình của các trung tâm liên kết khác nhau, học phí có nhiều mức chênh lệch…nên phụ huynh rất lấy làm băn khoăn.

Trước thực trạng này, trong năm học 2016- 2017, Đoàn Giám sát của HĐND TP đã từng khảo sát việc giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong trường học nhằm làm rõ những vấn đề còn bất cập được báo chí phản ánh.

Qua khảo sát ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hoá- Xã hội HĐND TP cho hay, giáo trình các trung tâm tự biên soạn, mỗi nơi một kiểu.

Kiểm định chất lượng cách thức kiểm tra, đánh giá cũng như chất lượng giáo viên chưa được thực hiện đúng yêu cầu. Một số trung tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng đại đa số các trường phải tự đầu tư hoặc xã hội hoá.

Mức thu học phí có nguyên nhân khách quan nhưng có nhiều mức chênh lệch, phần trăm trích lại khác nhau khiến phụ huynh dễ thắc mắc…

Thực tế cũng như bất cập trong việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường trên địa bàn Thủ đô tuy đã được chỉ ra, nhưng giải pháp khắc phục cũng như việc nâng cao chất lượng môn học này vẫn còn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Nhằm chuẩn hóa việc dạy tiếng Anh cho học sinh, nhiều địa phương hiện đã đưa ra những quy định có phần quyết liệt. Đơn cử như tại Thái Nguyên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2017- 2018 là nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Cụ thể, với môn tiếng Anh, yêu cầu tiên quyết là việc đẩy mạnh chuẩn hóa năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh đồng bộ các cấp học tiểu học, THCS, THPT.

Ngoài các lớp tập huấn bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT tổ chức, các phòng GDĐT và các trường THPT chủ động tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh tự bồi dưỡng và tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh để đến năm 2020 có 100% số giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo qui định của Bộ GD&ĐT (B2 đối với giáo viên cấp Tiểu học và THCS; C1 đối với giáo viên cấp THPT).

Những giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh hoặc chưa được bồi dưỡng về phương pháp dạy tiếng Anh thì phải tự học, tự bồi dưỡng để đạt chuẩn trước khi phân công dạy học.

Còn tại Hải Dương, bước vào năm học 2017- 2018, Sở GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý tới việc việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, Sở GD&ĐT Hải Dương nêu rõ: Đối với các trường đã triển khai học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài trong năm học 2016-2017, cần căn cứ kết quả triển khai, rà soát, đánh giá chất lượng giảng dạy của trung tâm ngoại ngữ phối hợp, lấy ý kiến của học sinh và phụ huynh về hiệu quả triển khai để xem xét có tiếp tục triển khai trong năm hoc 2017-2018 hay không.

Các trường có nhu cầu triển khai trong năm học này cần đăng ký với Sở GD&ĐT, chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ đã được Sở thẩm định về hồ sơ để chuẩn bị các điều kiện triển khai. Việc triển khai phải hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh, không được ép buộc tham gia dưới bất kỳ hình thức nào.

Xác định rõ mục đích

Theo các chuyên gia giáo dục, điều quan trọng là chúng ta cần xác định mục đích của việc day và học tiếng Anh trong trường phổ thông. Học để cho có hay là để học sinh ứng dụng vào thực tế?

Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ 2017-2018 vừa được tổ chức, Bộ GDĐT nhận định việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo đó, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 trên cơ sở sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông.

Trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam.

Vấn đề đặt ra chính là chất lượng trong chương trình giảng dạy tiếng Anh. Theo kế hoạch, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, môn Ngoại ngữ được chú trọng đưa vào giảng dạy từ cấp Tiểu học.

Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2 học 2 tiết tiếng Anh/tuần (môn học tự chọn); học sinh khối 3, 4, 5 học 4 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết từ 35 - 40 phút); học sinh THCS và THPT học 3 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết 45 phút).

Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một giải pháp quan trọng cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng.

Bảo Thoa