Nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định phải tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, nhà nước về lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động, giới thiệu mô hình chuỗi “Liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm”.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Ngày 15/9, tại thành phố Cao Bằng, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho cán bộ Mặt trận cấp cơ sở và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh dự, chỉ đạo hội nghị.
Tại Hội nghị, các cán bộ Mặt trận cấp cơ sở và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về Cuộc vận động; một số chính sách mới liên quan đến Cuộc vận động; Phổ biến những kinh nghiệm hay và một số mô hình, điển hình trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó các đại biểu cũng được trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cán bộ Mặt trận, các chi hội, chi đoàn trong công tác tuyên truyền cuộc vận động.
Quang cảnh hội nghị.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Cao Bằng Phạm Đức Minh cho rằng hiện nay việc tuyên truyền về hàng Việt đến người dân còn hạn chế chủ nên một bộ phận người dân còn thiếu thông tin nên chưa tin tưởng vào hàng Việt.
Từ thực tế trên ông Minh đặt vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó cần lồng ghép các chương trình này với việc tuyên truyền để cuộc vận động có sức lan tỏa rộng lớn tới mọi người dân.
Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng Lê Quang Vịnh cho rằng cần lựa chọn nội dung phù hợp truyền tải đến người dân để họ có định hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cùng với việc quảng bá, giới thiệu, các mặt hàng Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, giá thành mới cạnh tranh với hàng hóa các nước trong khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng Đặng Thị Duyên khẳng định, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền thực hiện cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/KL của Bộ Chính trị, nâng cao nhận thức và ý thức cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ sản xuất và người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc.
Cùng với đó tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các cơ sở, ở các địa bàn đông dân cư, khu vực cửa khẩu, đặc biệt là những điểm nóng về nhập lậu hàng hoá, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định trong thời gian qua, việc phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời khai thác được tiềm năng sản xuất các mặt hàng của địa phương, từ đó nâng cao ý thức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong việc thực hiện Cuộc vận động.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định phải tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, nhà nước về lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, qua thực tế triển khai cuộc vận động đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của địa phương về triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước hay các siêu thị Co.opmart cũng là kênh quảng bá hữu hiệu, nhanh nhất để hàng Việt đến với người tiêu dùng ngày càng sâu rộng đồng thời là cầu nối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; các chương trình bình ổn giá, các đợt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa để người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết, mua sắm các mặt hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng chỉ ra những hạn chế đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín các doanh nghiệp và niềm tin của người dân đối với sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, tư tưởng thích dùng hàng ngoại vẫn còn phổ biến.
“Các cơ quan quản lý, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp chưa đánh giá được thị phần hàng Việt Nam ở thị trường trong nước, một số địa phương chưa tổ chức được Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn khiến người tiêu dùng nông thôn chưa có cơ hội tiếp cận và ủng hộ hàng Việt, quan hệ liên kết chuỗi giá trị sản phẩm của hàng Việt Nam chưa đảm bảo” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định phải tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, nhà nước về lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động, giới thiệu mô hình chuỗi “Liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm” nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tạo thương hiệu cho sản phẩm Việt, chia sẻ một số kinh nghiệm tốt trong triển khai cuộc vận động. Bên cạnh đó cần tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để tinh thần cuộc vận động thấm sâu vào người tiêu dùng, các doanh nghiệp từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh trong xu thế hội nhập sâu rộng.