Phòng chống sốt xuất huyết: Nếu không quyết liệt, dịch sẽ tăng trở lại

Bảo Châu 16/09/2017 08:35

Mặc dù số người mắc sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu chững lại nhờ việc đẩy mạnh tất cả các biện pháp để phòng bệnh, đặc biệt là việc phun hóa chất trên diện rộng, tuy nhiên, đây là thời điểm mà ngành y tế và người dân không được chủ quan bởi dịch năm nay đến sớm và theo quy luật thì tháng 9, tháng 10 hàng năm mới chính mùa dịch SXH.


Phun hóa chất diệt muỗi.

Đến tháng 12 mới có thể yên tâm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 13/9, cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong; trong đó, số trường hợp nhập viện là hơn 105.300 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 43,9%, số tử vong tăng 10 trường hợp. Từ ngày 4 đến 10/9, cả nước ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc, không có tử vong; so với tuần trước 28/8 đến 3/9, số ca mắc giảm 23,9%.

Tại cuộc họp báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng diễn ra vào chiều ngày 14/9 tại trụ sở Bộ Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng – phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, tính đến tuần 36 của năm 2017, số ca SXH cộng dồn của toàn thành phố là 14.243 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016.

Ghi nhận 18/24 quận, huyện, có số ca SXH được nhập viện tăng so với cùng kỳ; trong đó, huyện Cần Giờ tăng 154%; quận 12 tăng 120%; huyện Hóc Môn tăng 83%; quận Bình Tân tăng 64%. Thành phố ghi nhận 4 trường hợp tử vong do SXH. Diễn tiến số ca nhập viện hàng tuần tăng nhanh từ tuần thứ 19 đến tuần 26, sớm hơn những năm trước 4 tuần; tuy nhiên từ tuần 26 đến tuần 36, số ca hàng tuần không tăng, dao động ở mức từ 450 đến dưới 500 ca/tuần.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh- phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1 đến 10/9, Hà Nội ghi nhận hơn 27.000 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc của Hà Nội trong những tuần gần đây chững lại, có xu hướng giảm tại các quận nội thành sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trong thời gian qua. Đặc biệt, Hà Nội có 19 quận, huyện ghi nhận số ca mắc giảm so với tuần trước... Các quận, huyện, số bệnh nhân có xu hướng giảm như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình, Thanh Oai, Long Biên, Tây Hồ. Một số tăng nhưng tăng không nhiều, gồm Thường Tín, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên.

Trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường và chiến dịch phun thuốc diện rộng tại các xã phường có diễn biến phức tạp và các khu vực nguy cơ, trong đó phối hợp cả máy phun đeo vai, máy phun ô tô, máy phun mù nóng. Thống kê sơ bộ kết quả các đợt phun thuốc diện rộng từ ngày 12-8 đến nay cho thấy: 100% số trường học trên địa bàn đã được phun hóa chất diệt muỗi; số lượt hộ gia đình được phun đạt tỷ lệ 81,4%; số công trường có người làm việc được phun chiếm tỷ lệ 19%. Tỷ lệ này ở khu vực chợ dân sinh đạt 44,3%; tại các khu vực công cộng khác như đình chùa, nghĩa trang, cơ quan xí nghiệp đạt 25,2%...

Theo ông Trần Đắc Phu- cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời điểm này, ngành y tế và cả người dân không được phép chủ quan trong công tác phòng chống dịch… “Chúng ta biết rằng năm nay dịch bệnh đến sớm, từ tháng 4 đã có dịch SXH bởi vì năm nay Hà Nội không có rét nàng Bân, ở miền Nam khí hậu cũng nóng lên, mưa cũng đến sớm hơn. Nhưng qua theo dõi trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy rằng, thời điểm SXH cao hàng năm ở ngoài Hà Nội là khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch, năm nay lại có nhuận hai tháng 6. SXH ở miền Nam khi nào mùa mưa kết thúc thì bệnh mới giảm, còn miền Bắc thì chỉ khi có gió heo may về thì khả năng dịch bệnh mới chững lại. Do vậy, việc phòng chống SXH thì phải kéo dài đến tận tháng 12 thì chúng ta mới có thể yên tâm”- ông Phu nhấn mạnh.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Kết quả kiểm tra tại địa phương cho thấy, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác phòng chống SXH nhưng hoạt động còn chưa triệt để; tỷ lệ hộ gia đình phát hiện ổ bọ gậy, loăng quăng còn cao; độ bao phủ trong phun hóa chất chưa cao (80%) do người dân đi vắng hoặc đóng cửa. Người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng...

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thực hiện chế tài đối với các hành vi vi phạm chính trong lĩnh vực Y tế (Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ), cụ thể là hành vi ứ đọng nước làm phát sinh lăng quăng và muỗi có thể làm lây lan dịch bệnh, sau khi đã cam kết thực hiện theo hướng dẫn của y tế địa phương mà vẫn không thực hiện; từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, toàn TP HCM có 164 quyết định xử phạt tại 13 quận, huyện. Riêng trong tháng 8, thành phố có 70 quyết định, trong đó có 54 quyết định nộp phạt.

Theo PG TS Phan Trọng Lân- viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, nhờ giám sát tốt các vùng dịch nguy cơ nên công tác phòng dịch cũng như chống dịch ở TP HCM khá chủ động. So với các địa bàn khác, SXH của TP HCM và các tỉnh miền Đông đã có sự chững lại.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt câu hỏi: Nghị định 176 - về cơ bản là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với phòng chống dịch, trong đó, việc xử phạt những cá nhân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch được TP HCM làm rất tốt, tại sao Hà Nội lại không làm được?

Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, năm nay, Hà Nội cũng khá quyết liệt trong vấn đề xử phạt vi phạm liên quan tới phòng chống dịch. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 13 cơ sở trên địa bàn (thuộc các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) bị xử phạt, tổng số tiền vi phạm là 16.500.000 đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, tuy Hà Nội có xử phạt nhưng mức xử phạt chưa cao, chưa có tính răn đe. Ở đây, cần nhấn mạnh tới trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dịch bệnh nói chung chứ không phải xem đây chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế. Công tác xử phạt cần phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa bởi, hiện tại, khu vực miền Bắc vẫn có 662 ổ dịch đang hoạt động. Đây cũng là vùng duy nhất trên cả nước lưu hành cả 4 type huyết thanh.

Bảo Châu