Tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo
Là một tỉnh có đông đồng bào tôn giáo, thời gian qua Sóc Trăng đã vận dụng linh hoạt nhiều phương thức tập hợp chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo, đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và Mặt trận chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong không khí của lễ Sene Dolta, ông Dương Sà Kha - Chủ tịch MTTQ tỉnh Sóc Trăng đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề vận động đoàn kết các tôn giáo.
Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch MTTQ tỉnh Sóc Trăng thăm, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ Sene Dolta Ảnh: Lê Văn Dũng
PV: Thưa ông, được biết những ngày này, khắp các phum sóc Khmer, bà con đã trang hoàng lại nhà cửa thật tươm tất để đón mừng ngày lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) cổ truyền, cũng như đón chào bạn bè người thân đến chung vui?
Ông DƯƠNG SÀ KHA: Một không khí vui tươi, đoàn kết và đậm chất văn hóa truyền thống là những gì mà mọi người có thể cảm nhận được khi đến các phum, sóc ngày này. Nhà nào nhà nấy trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân vườn, kết cổng chào rồi cùng chuẩn bị ăn mặc gọn đẹp, nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng được tổ chức từ ngày 21 đến 23/9 (nhằm ngày 30/8 âm lịch) thời điểm bà con thu hoạch xong vụ lúa hè thu chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới.
Trong những ngày này, ngoài các hoạt động như đem cơm đến chùa mời các vị sư sãi tụng kinh, thuyết pháp, bà con còn chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên. Những cán bộ, công nhân viên chức người Khmer được nghỉ lễ, con em Khmer đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sum họp gia đình để đón lễ Sene Dolta, nhớ ơn ông bà.
Vào mỗi dịp lễ tết, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm tới các hoạt động của lễ Sene Dolta, làm sao để ngày lễ của bà con được tổ chức trên tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm…nhằm tạo sinh khí phấn khởi chung trong toàn tỉnh, nhất là ở vùng có đông đồng bào Khmer.
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân hiếu nghĩa… Cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, MTTQ tỉnh đã làm gì để tập hợp các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và Mặt trận chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
- Do đa dạng tôn giáo nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất phong phú. Mỗi tôn giáo có tôn chỉ, phương châm hoạt động khác nhau, nên việc làm thế nào để các tôn giáo hòa hợp với nhau luôn được cấp ủy, chính quyền và MTTQ quan tâm, chú trọng. Đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài của MTTQ các cấp trong tỉnh.
Cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, Ủy ban MTTQ tỉnh đã vận dụng linh hoạt nhiều phương thức tập hợp chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo, đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và Mặt trận chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Mỗi dịp lễ tết, nhất là lễ Chol chnam thmay, Sene Dolta cấp ủy, chính quyền và MTTQ đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà chúc mừng đến hòa thượng, các cán bộ hưu trí, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer, các hộ gia đình chính sách, hộ Khmer nghèo. Qua đó động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho bà con đón lễ Sene Dolta thêm phấn khởi, vui tươi, thắm tình đoàn kết.
Vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín rất quan trọng, vậy MTTQ làm gì để phát huy vai trò của họ nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào có đạo tham gia các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động?
- MTTQ luôn xác định vai trò của các vị chức sắc tôn giáo, phật giáo Nam tông rất quan trọng. Chính quyền, MTTQ luôn ghi nhận sự đóng góp to lớn của các vị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh, làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào có đạo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo...
Chính vì vậy thời gian qua các tôn giáo trong tỉnh không còn khoảng cách mà ngày càng xích lại gần nhau, cùng trao đổi, bàn bạc các vấn đề có liên quan đến đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đến hoạt động tín ngưỡng, đến các vấn đề an sinh xã hội, dưới sự chủ trì, tập hợp của MTTQ các cấp.
Đồng bào các dân tộc cũng rất tôn trọng các vị sư sãi, các vị cao tăng trong chùa. Có những phong trào, cuộc vận động khi cán bộ Mặt trận đến tuyên truyền bà con chưa nghe ra nhưng khi các vị chức sắc tôn giáo tuyên truyền bà con rất thông. Một tháng bà con dân tộc Khmer có 4 ngày đi chùa, nhân dịp này MTTQ các cấp đã tranh thủ vận động các vị chức sắc tôn giáo, các vị trong Hội Đoàn kết sư sãi lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đồng bào. Cùng với đó là vận động bà con tham gia làm từ thiện xã hội giúp người nghèo như xây cầu, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cũng tranh thủ người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chí trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như hiến đất, góp ngày công lao động, huy động nguồn lực làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ được người dân đồng tình cao.
Đồng bào Khmer chiếm 30% dân số của tỉnh Sóc Trăng, cao nhất so với cả nước, tuy nhiên cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thời gian qua MTTQ đã cùng với các tổ chức đoàn thể có những hoạt động gì để giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo?
-Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều có kế hoạch hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, các mạnh thường quân, doanh nghiệp chung tay chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa…
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xây mới, sửa chữa và trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; đồng thời, tăng cường hỗ trợ cho các hộ nghèo về sản xuất, khám chữa bệnh và việc học hành của con em họ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Rất nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực như “KDC hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “KDC phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”; “Áo trắng cho học sinh nghèo”; các phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây cầu, đường, khoan giếng nước và các công trình phúc lợi dân sinh khác... đã phát huy tác dụng góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!