Hai mặt đồng vốn ODA

Duy Khang - Việt Anh (thực hiện) 17/09/2017 07:30

Nguồn vốn viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA) là rất quý. Nhưng không hẳn đã là “ngon, bổ, rẻ” như nhiều người nghĩ, nếu không được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ODA không phải là “tiền chùa”, việc để thất thoát, lãng phí đồng vốn ODA sẽ đem đến những tai họa rất lớn bởi người tiếp nhận ODA cũng phải chịu ràng buộc từ phía người cung cấp ODA.


Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

­Nhiều người cho rằng nguồn vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) là một nguồn vốn “ngon” do những đặc tính từ chính tên gọi của nó. Việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục đơn giản cũng là lý do để “người đi vay” càng thấy món vay này hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ODA không hẳn đã là “ngon, bổ, rẻ”. Bởi, kể cả không phải trả lãi, trả phí, trả tiền đã sử dụng thì vẫn phải trả một thứ khác mà có thể chưa bộc lộ ngay. Và một điều đáng quan ngại, nguồn vốn này sẽ càng trở nên đắt đỏ nếu như không được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đừng bao giờ nghĩ ODA là “tiền chùa” bởi khi sử dụng ODA, người đi vay sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc từ nước cho vay.

PV: Không thể phủ nhận nguồn vốn ODA đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước nhà. Nhiều người nghĩ nguồn vốn này “ngon, bổ, rẻ” có thể sử dụng thoải mái mà không phải lo nghĩ tới việc trả nợ và lãi như những nguồn vốn khác như trái phiếu Chính phủ, vay thương mại… Có phải như vậy không, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG: Bất kỳ một khoản viện trợ nào cũng có hai mặt. Khi một nước đem tiền thuế của dân đi cho hoặc cho nước khác vay với lãi suất rất ưu đãi thì nó phải hàm chứa nhiều mục tiêu. Họ tài trợ các dự án đường sá, hạ tầng, hành lang pháp lý… mục đích để các công ty của họ vào đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Chưa hết, ODA đến, nước nhận viện trợ cũng phải có vốn đối ứng để cùng thực thi dự án. Vì vậy, trong dự án ODA ở Việt Nam bao giờ cũng có tiền thuế của người dân chúng ta. Do đó, đừng bao giờ nghĩ rằng ODA là một “bình sữa ngon” mà chúng ta được hưởng thụ từ bên ngoài, ngược lại, đôi khi sử dụng vốn ODA sẽ còn phải trả giá đắt hơn cả vốn trong nước. Chúng ta không nên nghĩ rằng, nguồn vốn này là tiền cho không.

Cần phải hiểu đó là tiền chúng ta phải đi vay, mà đã là đi vay thì cho dù vay kiểu gì cũng là một món nợ cần phải trả. Bên cạnh đó, ODA cũng không phải là không có rủi ro. Rủi ro mà tôi nghĩ chúng ta phải tính đến nhất là rủi ro về tỷ giá. Nói cho cùng, chúng ta cần phải chấm dứt hoàn toàn tư duy coi ODA là “món quà” mà chúng ta được “các bạn” ban phát rồi chia nhau. Nghĩ như vậy sẽ là cái họa cho hậu thế mà con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu.

Đã từng có ý kiến cho rằng ODA là “sát thủ kinh tế” hay còn gọi là “bẫy ODA”. Do đó, Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và hướng tới việc trong tương lai gần không nên tiếp nhận nguồn vốn này nữa. Vậy ý kiến của ông?

-Với những quốc gia đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam, đây là một nguồn vốn rất được chú trọng vì có thể nói nguồn lực này mang lại rất nhiều cơ hội cho chúng ta phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng sai cách, hay nói cách khác, quá lạm dụng thì việc coi nguồn vốn này như một “sát thủ” cũng không có gì là quá đáng. Nói như vậy là bởi chính nguồn vốn này sẽ đem đến hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế nước nhà, đó là những món nợ chồng chất một khi đầu tư không hiệu quả, đầu tư lãng phí. Không ai dại mang tiền đi cho không chúng ta. Nhà đầu tư họ sáng suốt lắm, đã là cho vay thì phải tính đến sinh lời. Do đó họ bỏ vào chỗ này thì sẽ lấy lại ở chỗ khác. Do đó, một khi suất đầu tư tăng lên cao thì vốn ODA sẽ không còn ý nghĩa, con cháu chúng ta sau này sẽ phải chắt chiu để trả nợ, chưa kể hậu quả suất đầu tư các dự án hạ tầng trong nước theo đó sẽ tăng cao ngất trời như một số dự án đường cao tốc vừa được công bố mới đây.

Trên lý thuyết nước tiếp nhận ODA có toàn quyền quản lý, sử dụng nguồn vốn này nhưng thông thường, các danh mục dự án cũng phải có sự thỏa thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia. Hay nhiều trường hợp, chính chính phủ các nước phát triển trực tiếp tài trợ cho doanh nghiệp nước họ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp này trong quá trình tìm kiếm đối tác tại nước tiếp nhận thay vì để nước đó tự chủ trương. Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí, quy hoạch sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại không hợp lý... cũng là những ẩn họa rất lớn.

Cụ thể, nếu không biết thu vén thì vốn ODA vay về cũng sẽ bị rơi rụng hết, và cuối cùng là tự biến mình thành một “công trường” để nước cho vay thu lợi?

-Điều này hoàn toàn chính xác. Sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất là đầu tư tập trung, tuy nhiên Việt Nam chưa sử dụng hiệu quả nguồn này do chúng ta vẫn đầu tư kiểu manh mún, dàn trải và thất thoát. Nếu tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ rất dễ trở thành công trường cho nước khác khi họ đưa từ thiết bị vật tư đến chuyên gia kỹ sư, thậm chí đưa cả người lao động sang chỉ với mỗi việc là nấu cơm, đun nước mỗi ngày.

Với tính hai mặt của nguồn vốn ODA mà ông vừa phân tích ở trên, theo ông chúng ta cần phải làm gì để nguồn lực này không trở thành “lợi bất cập hại”, thưa ông?

-Chúng ta đi vay vốn ODA với một sự phấn chấn là lãi suất thấp, thời gian ân huệ dài. Nhưng như tôi đã nói, nếu không biết tận dụng thì lợi ích sẽ trở thành bất lợi, nguồn vốn đáng quý sẽ trở thành phản tác dụng. Ví dụ với điều kiện vay ưu đãi như vậy thì phải sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả, không thể vay đi một đồng đến khi thu về chỉ còn một hào. Chính những nước sử dụng nguồn vốn ODA không hiệu quả lại vô tình biến nó thành “sát thủ” thầm lặng và giết chết chính nền kinh tế đó, rồi tự đẩy mình vào khủng hoảng. Ngoài ra, với một số dự án ODA quy mô lớn, tính chất công nghệ phức tạp hay quá mới, chúng ta nên thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài quản lý dự án, không phải là tư vấn thuộc nước tài trợ ODA. Và nhất định kiên quyết không nhận những dự án ODA mà Việt Nam không kiểm soát được chi phí hoặc bất lợi trong việc trả nợ về sau.

Với các dự án hạ tầng, không thể để tiếp diễn câu chuyện “vừa thiết kế vừa thi công” như đã và đang diễn ra để tránh tình trạng đội giá không cách gì kiểm soát trong bối cảnh trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam còn hạn chế như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Khang - Việt Anh (thực hiện)