Sau bão, tàu cá và sà lan ngàn tấn mắc cạn bên bờ cửa Gianh
Đáng lý ra, khi gió bão ngưng quăng quật, thủy triều hạ thấp, mặt sông Gianh bình yên trở lại thì nỗi lo của ngư dân sẽ vơi bớt đi. Thế nhưng, giờ đây ở hai bờ nơi cửa sông Gianh, nỗi xót xa của ngư dân càng nhân lên gấp bội khi tàu cá, sà lan đang mắc cạn ở hai bờ đê.
Tàu cá mang số hiệu LA06957 bị gió bão cuốn phăng lên bờ hồ nuôi tôm.
Tại 2 bờ cửa Gianh (cách cầu Gianh 500 m về phía đông), theo thống kê ban đầu có khoảng 15 con thuyền công suất lớn của ngư dân (loại 900 CV), 10 chiếc sà lan nặng hàng ngàn tấn bị gió bão số 10 cộng với thủy triều dâng cao đẩy lên bờ đê mắc cạn ở phía xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch) và ở phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn).
Tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng nằm chênh vênh bên bờ đê sông Gianh.
Sau bão số 10, cách bờ đê chừng 50 m (ở phía xã Bắc Trạch), giữa làn nước bạc sông Gianh, những con thuyền bị mắc cạn, nằm phơi mình, trơ thân gỗ đáy tàu và cả chân vịt trong nắng.
Những chiếc thuyền đánh bắt hải sản bị mắc cạn này của ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang... Trong đó có 7 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ của Công ty Ngọc Thành ở thành phố Vũng Tàu.
Tàu thuyền của ngư dân Bà Rịa – Vũng tàu bị mắc cạn.
Cụ thể, các tàu mang số hiệu: BV8191TS, BV99155TS, BV9550TS, BV9073TS, BV8173TS, BV8263TS và BV7732TS.
Ngồi trên bờ đê, đôi mắt xa xăm ra mặt sông nơi có những con thuyền đang bị mắc cạn, anh Bùi Bảo Long, lái tàu BV8191TS buồn bã nói: “4h sáng ngày 14/9, các tàu của chúng tôi vào âu thuyền cửa Gianh tránh bão nhưng lúc này âu thuyền đã kín nên chúng tôi được hướng dẫn vào đây. Gió bão quá lớn đã xô dạt tàu chúng tôi lên cạn. Chúng tôi rất mong sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và các lực lượng cứu hộ. Hiện tại, các tàu không thể di chuyển được”.
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Kiên Giang “bất lực” trước gió bão.
Còn lái tàu Hồ Ngọc Ẩn (tàu BV99155TS) cho biết thêm, “đã có những cá nhân, công ty đến để cứu hộ, nhưng giá thành họ đưa ra quá cao nên chúng tôi phải đợi”.
Ngay ở gần đó, chiếc tàu sắt mang số hiệu DNa 0601, có công suất 600 CV của công ty Văn Hòa Khánh (Đà Nẵng) nằm cheo leo ngay bên bờ đê. Anh Lê Văn Thu (54 tuổi), quê ở phường Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng), người làm công trên tàu cho biết “Chúng tôi cho thuyền vào âu thuyền tránh bão cửa Gianh nhưng vì ở đó quá tải nên tàu chúng tôi được lực lượng chức năng hướng dẫn vào neo đậu ở đây. Khi gió bão rít gào, quăng quật từng đợt, từng đợt liên tục nên những con tàu đứt dây neo bị sóng lớn đánh xô dạt lên đây”.
Nhiều chiếc bị mắc cạn đang cần giúp đỡ, cứu hộ.
Cách đó không xa, chiếc tàu sắt của ngư dân Long An mang số hiệu LA06957 bị sóng cuốn lên bờ hồ nuôi tôm, nằm trên không trung như đang được bảo hành, sửa chữa.
Không chỉ có những tàu cá bị sóng đánh dạt lên bờ đê mắc cạn mà những chiếc sà lan, đầu kéo nặng hàng ngàn tấn cũng bị cuốn xô lên mép đê.
Ngư dân buồn bã nhìn những con tàu bị nạn.
Theo người dân cho biết có 10 chiếc sà lan mắc cạn, 4 chiếc sà lan và đầu kéo bị chìm. Trong đó có những chiếc sà lan nặng từ 1.200 đến 1.500 tấn đã nằm trên bờ đê.
Ngay sau khi có nhiều tàu cá, sà lan bị mắc cạn, người dân ở xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch) đã tích cực giúp đỡ ngư dân các tỉnh bạn trong công tác thông tin, thức ăn nước uống.
Chiếc sà lan 1.200 tấn bị sóng xô lên bờ đê.
Ông Nguyễn Ngọc Tính, ở thôn 4, xã Bắc Trạch, một hộ nuôi cua cho biết “Mặc dù ao nuôi của gia đình bị thiệt hại nhưng vợ chồng đã chia sẻ khó khăn với những ngư dân đang gặp sự cố ở bờ đê với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn hoạn nạn với nhau. Tôi rất mong có sự chung tay từ các lực lượng chức năng để tàu thuyền của ngư dân sớm ra khơi, hoạt động trở lại”.
Nằm “tuyệt vọng” bên bờ đê.
Không thể di chuyển ra con nước sâu.
Chấp nhận thuê cứu hộ với giá cao.