Mỹ, Hàn nhất trí tiếp tục trừng phạt Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm trong sáng hôm 17/9 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa.
Lãnh đạo Mỹ, Hàn nhất trí về việc tiếp tục thúc đẩy lệnh trừng phạt Triều Tiên (Nguồn: JapanTimes).
Bằng hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã trở thành một vấn đề chính sách đau đầu đối với chính quyền Tổng thống Trump, buộc nước Mỹ phải lên sẵn một kế hoạch trong trường hợp căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó 2 ngày, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua không phận tỉnh Hokkaido của Nhật Bản, vụ thử mới nhất trong chuỗi hàng loạt các vụ thử nghiệm bị cộng đồng quốc tế lên án.
Tổng thống Trump nói rằng Mỹ và các nước đồng minh sẽ không bị đe dọa bởi Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm kéo dài 25 phút, ông Trump và ông Moon đã cùng lên án vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất cảu Triều Tiên, cam kết sẽ cùng phối hợp với cộng đồng quốc tế để thực thi nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ.
"Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ và áp đặt các lệnh trừng phạt hiệu quả và mạnh mẽ hơn, cũng chung sức với cộng đồng quốc tế để gây sức ép đối với Triều Tiên" - người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Park Soo-hyun, nói - "Đưa ra thêm các hành động khiêu khích sẽ chỉ khiến Triều Tiên bị cô lập hơn về mặt ngoại giao và kinh tế, và cuối cùng sẽ dẫn tới con đường sự tự sụp đổ".
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên trước đó đã một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận trong chính quyền Tổng thống Trump về việc sẽ sử dụng lực lượng quân sự như thế nào để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong hôm cuối tuần qua, hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng mục tiêu trong các nỗ lực của Bình Nhưỡng "là thiết lập sự cân bằng về lực lượng với nước Mỹ và buộc giới cầm quyền nước này không dám nói về lựa chọn quân sự nữa".
Trước đó một tuần, Tổng thống Trump cùng các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông đã nói rằng có nhiều lựa chọn quân sự sẵn có, bất chấp sự ngờ vực từ giới chuyên gia quân sự. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí hồi tháng 8 vừa qua, cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon từng nói rằng Mỹ không hề có giải pháp quân sự nào cho vấn đề Triều Tiên.
Hôm thứ Sáu tuần trước, phát biểu tại Căn cứ quân sự Andrews, căn cứ không quân đóng bên ngoài Washington, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng các lựa chọn quân sự của Mỹ là khá nhiều trong trường hợp họ buộc phải đáp trả mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ cho Bình Nhưỡng nếm "lửa và thịnh nộ".
Trogn khi đó, phát biểu tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nhấn mạnh, Mỹ nên "tiếp tục đối thoại và đàm phán" với Triều Tiên.
"Mỹ nên kiềm chế không đưa ra thêm những lời đe dọa. Họ nên làm nhiều hơn nữa để tìm ra những giải pháp hiệu quả để nối lại đối thoại và đàm phán" - Đại sứ Thôi Thiên Khải nói, thêm rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong hôm 21/9 tới, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiếp tục tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng để bàn về việc thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên vốn được thông qua sau khi nước này thử vụ phóng tên lửa mới nhất vào sáng 15/9. Ngoài ra, cuộc họp cũng tìm cách để giải quyết mối đe dọa từ việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Mục đích của cuộc họp là thảo luận về các cách thức Hội đồng Bảo an LHQ có thể thực thi hiệu quả hơn nữa các nghị quyết đã được thông qua nhằm ngăn chặn việc phổ biến những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới này.
Trước đó lệnh trừng phạt Triều Tiên vì động thái thử hạt nhân lần thứ 6 vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hôm 12/9.
Biện pháp trừng phạt do Mỹ soạn thảo và có thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới. Các biện pháp gồm cấm tất cả hoạt động xuất khẩu dệt may của Triều Tiên, cắt giảm hơn 55% các sản phẩm dầu mỏ đã lọc như xăng và nhiên liệu tới Triều Tiên, hạn chế mức nhập dầu thô vào lãnh thổ của Bình Nhưỡng, cấm các nước thuê công nhân Triều Tiên.
Ngoài ra, nghị quyết này cũng bổ sung thêm việc kiểm tra, lục soát các hoạt động buôn lậu qua đường hàng hải của Triều Tiên, áp đặt thêm hạn chế mới với các tổ chức Chính phủ như Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên...