Cử nhân đứng đầu bảng về tỷ lệ thất nghiệp
Theo Bộ LĐTB&XH, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung có xu hướng giảm nhẹ thì thất nghiệp trong nhóm có trình độ đại học trở lên và nhóm thanh niên lại tăng mạnh.
Cụ thể cả nước có khoảng 1,08 triệu lao động (trong độ tuổi lao động) thất nghiệp, có trình độ đại học trở lên là trên 180.000 người, tăng 44.000 người so với quý I-2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63%, trong khi quý trước đó là 2,79%.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là thách thức lớn về cơ hội việc làm của cử nhân.
Cử nhân thất nghiệp tăng
Theo nhiều chuyên gia, thanh niên luôn là nhóm yếu thế khi tìm việc do chưa có kinh nghiệm cũng như mối quan hệ để tìm được một công việc theo đúng mong muốn và đúng chuyên ngành.
Thực tế, con số cử nhân đại học thất nghiệp đang tăng theo từng năm, riêng quý I-2016 có tới 190.900 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, tăng 22,8% so với quý IV-2015, như vậy có nghĩa con số này chỉ có chiều hướng gia tăng, không có giảm.
Theo ông Đào Quang Vinh- viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trong cơ cấu đào tạo hiện nay thì số lượng đào tạo đại học, cao đẳng cao hơn hẳn so với bậc trung cấp, sơ cấp.
Hiện nay, trong tỷ lệ đào tạo chung, thì 1 người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng và 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp.
“Theo tôi, nguyên nhân từ nhiều phía. Thứ nhất là từ bố mẹ, gia đình hướng con em mình vào học ngành nghề gì. Trước đây, chúng ta vẫn theo quan điểm cho con cái học ngành nghề gì để vào làm nhà nước, sau này được nhàn thân, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Thứ hai là tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt và thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường lao động nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình và học ngành nghề đó. Và chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp” - ông Vinh đánh giá.
Thách thức trước “cơn bão” 4.0
Đứng trước thực trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều mới đây Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ đi XKLĐ. Đề án này được kỳ vọng sẽ là giải pháp tìm đầu ra cho cử nhân, cao đẳng khi ra trường.
Tuy nhiên dù mới đang trong quá trình soạn thảo lấy ý kiến Đề án đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của Đề án.
Theo các chuyên gia để giải bài toán việc làm cho cử nhân, cao đẳng cần có một lộ trình cụ thể lâu dài trong đó đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng quy trình dự báo về cung cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó quan trọng các trường phải nâng cao chất lượng giảng dạy, thay đổi tư duy trong đào tạo đó là đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Thời gian gần đây cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc khá nhiều và nó sẽ là câu chuyện sẽ xảy ra chứ không còn là của tương lai nữa.
Theo đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội song cũng không ít các thách thức. Và giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động rất lớn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới.
Không gian học tập cũng sẽ đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng...
Tuy nhiên bên cạnh đó vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực.
Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người.
Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các rô-bốt thông minh.
Do vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới.
Theo các chuyên gia các trường cần phải đẩy mạnh các hoạt động đào tạo để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, trước mắt cần phải xác định lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai vì cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ với những xu hướng khá rõ ràng về chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của nền công nghiệp.
Trên cơ sở đó, các trường đại học cần xác định các lĩnh vực đào tạo trọng tâm, các lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại và chuẩn bị nguồn lực đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp.
Quý III-2017, Bộ LĐTB&XH dự báo việc làm tăng trong một số ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tăng 320 nghìn người; xây dựng tăng 136 nghìn người; vận tải kho bãi tăng 169 nghìn người. Một số ngành có tăng trưởng về việc làm như: sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất điện tử, máy vi tính, sản xuất giường tủ bàn ghế; một số ngành việc làm dự báo giảm như: khai thác và xử lý cung cấp nước; khai khoáng. |