Bấp bênh ở vựa trái cây - Bài 3: Muốn hội nhập, phải tập 'làm ăn' lớn
Đứng trước cơ hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trái cây vùng ĐBSCL phải làm ăn lớn, thông qua việc quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh liên kết, trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm có như vậy trái cây ĐBSCL sẽ khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới …
Trái cây ĐBSCL trưng bày tại sự kiện APEC vừa qua tại Cần Thơ.
Tiếp sức cho nông dân
Những năm gần đây, trái cây ĐBSCL đã thâm nhập được các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đạt mức tăng trưởng khá cao.
Việc thâm nhập vào các thị trường khắt khe khiến trái cây Việt đang phải đối diện với nhiều “hàng rào kỹ thuật”.
Vì vậy vai trò quyết định cho vấn đề thành bại lại chính là nhà nước. Vai trò nhạc trưởng trong việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tổ chức, đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các địa phương thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt phải được đẩy mạnh.
Theo tìm hiểu, người nông dân sẵn sàng liên kết sản xuất theo kiểu mới, miễn là bán được hàng với giá cao. Được tiếp sức, họ sẽ cùng sản xuất một loại trái cây, thực hiện một quy trình.
Mặc dù từng hộ sản xuất nhỏ nhưng hàng trăm hộ trong xã cùng làm sẽ cho sản lượng lớn, đủ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà đối tác yêu cầu.
TS Nguyễn Minh Châu chia sẻ, nhà nước cần tạo ra chính sách khuyến khích nông dân hợp tác, trực tiếp đứng ra chủ trì một cách quyết liệt để có vùng chuyên canh trái cây đặc sản.
Nhà nước hỗ trợ để có một công ty chuyên xuất khẩu từ một đến hai loại trái đặc sản, tổ chức lại sản xuất và đóng gói theo cùng một quy cách.
Kêu gọi doanh nghiệp gắn kết với nông dân xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng, phát triển trong vòng 10 năm tới Việt Nam có 1-2 thương hiệu xuất khẩu trái cây Việt Nam có tiếng, có uy tín trên thế giới...
Ngoài vai trò chủ đạo là Nhà nước, nhưng ý thức dẫn đến hành động của người nông dân trong việc tham gia liên kết sản xuất rất quan trọng.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: “Trước hết, chính quyền các địa phương và bà con nông dân phải mạnh dạn tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, gắn từng cá thể vào chuỗi liên kết để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật xử lý rải vụ. Tổ chức lại sản xuất sẽ kéo được các doanh nghiệp tham gia liên kết và đó là hướng đi tất yếu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Và cuối cùng là phải hình thành được các hợp tác xã kiểu mới”.
Quýt hồng Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu sang nước ngoài.
Tập làm ăn lớn
PGS TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: ĐBSCL tuy là vựa trái cây lớn nhất cả nước nhưng trái cây chưa có số lượng lớn và đồng đều về chất lượng, hình thức, mà nguyên nhân là do thiếu sự liên kết trong sản xuất. Điều này khiến người nông dân luôn chịu thiệt về giá cả.
Ngoài ra, hạn chế lớn của việc sản xuất trái cây tại đây là vẫn chưa có nhiều vùng chuyên canh sản xuất gắn với tiêu thụ. Hình thức liên kết 4 nhà ở các địa phương còn ít và nếu có thì các mối liên kết cũng rất yếu.
Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất trái cây còn thấp, phân tán, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, mẫu mã chưa đảm bảo nhu cầu.
“Chúng ta đã có sẵn nhiều giống ngon đặc sản: như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, quýt đường, cam sành, thanh long đỏ, nhãn xuồng cơm vàng, vú sữa Vĩnh Kim, măng cụt, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri-6. Ngoài ra, những trái cây khác như: đu đủ Đài Loan tím, khóm Queen (Cầu Đúc) là những mặt hàng trái cây độc đáo của Việt Nam. Tôi đã từng nghe rất nhiều chuyên gia nước ngoài hết lời khen ngợi xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, đu đủ Đài Loan tím, chuối Cau của mình. Nếu chúng ta có vùng chuyên canh lớn và an toàn thực phẩm thì việc xuất khẩu sẽ tăng rất nhiều so với hiện nay”, PGS TS Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vũ Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây chia sẻ: Đây là vướng mắc chung của toàn bộ doanh nghiệp làm về trái cây chế biến, xuất khẩu nói chung, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không có vùng nguyên liệu của mình.
Thế nên doanh nghiệp không có khả năng cũng như không có cơ hội để ký kết các hợp đồng với đối tác thực sự lớn trên thế giới, mà chủ yếu khách hàng thuộc dạng tầm nhỏ, tầm trung do quy mô nguyên liệu không ổn định của mình.
Thực tế, đến nay có nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tính và mạnh dạn quy hoạch vùng sản xuất trái cây với quy mô lớn, chất lượng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang thông tin, toàn tỉnh có hơn 70.000ha cây ăn trái, mấy năm qua, tỉnh đẩy mạnh thành lập hơn 46 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) sản xuất, tiêu thụ trái cây, trong đó canh tác theo hướng GAP.
Hàng năm, các HTX và Tổ hợp tác trái cây như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, khóm, vú sữa Lò Rèn, thanh long… hợp tác với các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng khá lớn.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chanh không hạt Hậu Giang của HTX nông nghiệp Thạnh Phước và bưởi Năm Roi Phú Hữu đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với diện tích gần 70ha và đã được Công ty The Fruit Republic (Hà Lan) bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ngành đang có kế hoạch xây dựng các doanh nghiệp đầu mối làm sao đủ lượng hàng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tìm thị trường, khách hàng lớn để đưa trái cây đi xa hơn.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được các tỉnh ĐBSCL thực hiện. Trong đó riêng trái cây, nhiều địa phương tập trung quy hoạch vùng trồng cây chuyên canh phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng khâu xây dựng thương hiệu trái cây đặc sản gắn với địa danh địa phương. Điển hình như Đồng Tháp, địa phương đi đầu trong thực hiện Đề án đổi mới, việc đầu tư phát triển bền vững trái cây chủ lực rất được chú trọng.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Đến nay, tỉnh đã có 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có mặt trên thị trường thế giới. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục khảo sát các loại trái cây khác có thế mạnh của tỉnh để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Với trái cây đã có thương hiệu, chúng tôi đang chỉ đạo bộ phận xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường để tiêu thụ cho bà con nông dân”.