3 giai đoạn đột phá bệnh viện công lập
Ngày 18/9, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) đưa ra đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập. Theo Vafi, hệ thống bệnh viện công lập bộc lộ nhiều hạn chế trong thời gian dài. Chẳng hạn, giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp, thuốc vào bệnh viện thì phải qua nhiều tầng lớp trung gian.
Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến, rồi việc phải mang theo người nhà đi chăm sóc bệnh nhân.
Chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức… cũng đang có nhiều vấn đề bởi cơ chế thu nhập hiện hành, tiêu cực trong việc tuyển dụng đề bạt…Bởi cơ chế quản lý bệnh viện chưa chuyên nghiệp. Theo Vafi, những hạn chế tiêu cực như phân tích ở trên đang như những căn bệnh khó chữa. “Nếu chúng ta có giải quyết được 100 vụ VN phamma thì lại có hàng trăm “ VN phamma” xuất hiện nhưng có thể hoạt động dưới hình thức khéo léo tinh vi hơn” – vafi khẳng định.
Ngoài ra theo Vafi, nhiều hoạt động đã bị cá nhân hóa, hay bị các nhóm lợi ích chi phối. Chẳng hạn như đấu thầu mua thuốc, mua sắm thiết bị bị đội giá cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Có tình trạng không thu tiền viện phí khi khám bệnh với người quen… Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Vafi Nguyễn Hoàng Hải, Bộ Y tế cần mạnh dạn thực hiện cuộc cách mạng với nhiều giai đoạn.
Phải nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp (DN) công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như DN niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm. Với hình thức DN công ích, các bệnh viện này có nghĩa vụ công khai báo cáo tài chính…
Tiếp theo, cần cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành, sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các DN này để làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các DN dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho 1 tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện…
Cuối cùng của lộ trình này là sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, các bệnh viện này sẽ làm nòng cốt để hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ. Theo Vafii, sau cổ phần hóa khoảng 3 năm, cơ chế quản trị các bệnh viện này sẽ được thay đổi sâu sắc để từ đó sẽ đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế cho hợp nhất, sáp nhập nhiều bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện.