Bảo vệ ANTQ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân

Phạm Hưởng 19/09/2017 14:14

“Làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự” - đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng ngày 19/9, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai để kiểm tra Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương về công tác “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Dự hội nghị có Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; Thiếu tướng Đặng Hoàng Ba - Phó Cục trưởng V28 Bộ Công an và đại lãnh đạo Công an tỉnh,thành phố Pleiku...

Theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra số 4 do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh làm Trưởng đoàn sẽ tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện Chỉ thị 09 - CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” tại các tỉnh Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.

Làm việc với đoàn công tác, Trung tá Phan Nhật Toàn, Trưởng Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, thành phố Pleiku hiện có 23 xã, phường với 61.070 hộ dân, 268.141 nhân khẩu, 24 dân tộc sinh sống.

Thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương, UBND thành phố Pleiku đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, tổ chức xây dựng kế hoạch sát với tình hình tại địa phương và triển khai có hiệu quả nhiều nội dụng, các hình thức vận động, tuyên truyền đa dạng phong phú, sâu rộng đến từng địa bàn thôn làng, khu dân cư, người dân góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ ANTQ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đến nay đã có 23/23 xã, phường đã thành lập Ban chỉ đạo, nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày một đổi mới; nâng cao ý thức trách nhiệm tố giác, phòng chống tội phạm trong nhân dân.

Tuy nhiên, với vị trí địa lý trọng yếu về chiến lược nên thời gian qua vấn đề dân tộc, tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; các thế lực thù địch, phản động trong nước móc lối với các tổ chức phản động Fulrô lưu vong kích động, xúi dục lôi kéo vượt biên trái phép gây mất trật tự an ninh, an toàn tại địa phương.

Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động tinh vi, manh động và có chiều hướng diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều quyết sách của địa phương.

Trung tá Phan Nhật Toàn - Trưởng Công an TP Pleiku báo cáo kết quả với đoàn kiểm tra.

Cụ thể 5 năm qua, trên toàn thành phố đã xảy ra 851 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra làm rõ 756 vụ (đạt 88%); bắt giam giữ, khởi tố 1.212 đối tượng, thu hồi tài sản cho nhà nước 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phát hiện bóc gỡ 40 điểm tệ nạn với 109 đối tượng; bắt vận động đầu thú 98 đối tượng bị truy nã...

Là cơ quan chủ đạo trong Ban chỉ đạo, Công an thành phố Pleiku đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn, mua quân trang, dụng cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng chương trình phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị xây dựng các mô hình tự quản, tố giác, cảm hóa, giáo dục tội phạm với lực lượng nòng cốt là cán bộ bán chuyên trách, thành viên tự nguyện.

Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay lực lượng Công an thành phố được quần chúng nhân dân cung cấp 1.746 tin báo, tiến hành giải quyết 1.491 tin; răn đe 5.201 lượt đối tượng liên quan đến các tệ nạn xã hội.

Ngoài lực lượng Công an, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng các mô hình, tổ chức vận động truyên truyền, tiếp xúc các trưởng thôn, già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo và các cán bộ cốt cán tại địa phương.

Riêng MTTQ thành phố đã tổ chức 657 buổi với 14.122 người tham gia, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị thành phố triển khai đạt hiểu quả cao.

Như mô hình “Gia đình phụ nữ không có bạo lựcgia đình, không nghiện ma túy” của Hội Phụ nữ thành phố; mô hình “ Điều em muốn nói” của Phòng giáo dục thành phố...

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã ghi nhận kết quả mà Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 09 đã đạt được, tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức, báo cáo chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể; nhiều tiêu chí đánh giá còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Nhiều nơi người dân mất niềm tin, thờ ơ không giám tố giác tội phạm sợ bị trả thù. Một số cấp ủy, chính quyền chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm; nhiều phong trào, hình thức tuyên truyền thiếu sức lôi cuốn người dân tham gia.

Theo Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, thì nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên do sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo chưa đồng bộ, công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt chưa kịp thời.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Thế trận lòng dân đó chính là thế trận an ninh nhân dân, muốn vậy công tác vận động, tuyên truyền phải là nhiệm vụ hàng đầu; khi niềm tin của nhân dân vào cán bộ, chính quyền được tăng cường củng cố thì công tác tuyên giáo phải có định hướng, định lượng, phù hợp với địa bàn, gắn sát với quyền lợi chính đáng của nhân dân” bà Ánh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, ngoài các biện pháp phòng chống, đấu tranh, ngăn chặn, thời gian tới Ban chỉ đạo thành phố Pleiku cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, phải tập trung coi phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ lànhiệm vụ trọng tâm, phân công rõ người, rõ việc, có nghị quyết chuyên đề, đưa kết quả toàn thành tiêu chí đánh giá để xem xét xếp loại đảng viên, tổ chức cơ sở đảng.

Phạm Hưởng