Giai đoạn 2018-2020: Đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn
Đây là một trong mục tiêu quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Bộ LĐTB&XH ưu tiên trong giai đoạn 2018-2020. Theo đó Bộ sẽ rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở tham gia đào tạo cho lao động nông thôn về: nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị đào tạo để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
700.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 700.000 lao động nông thôn học nghề (đạt 63,6% kế hoạch), trong đó khoảng 250.000 người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đạt 41,6% kế hoạch (600.000 người).
Dự kiến trong năm 2017, cả nước hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 600.000 lao động nông thôn, đạt kế hoạch giao, trong đó khoảng 120.000 người dân tộc thiểu số, 18.000 người khuyết tật và 15.000 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo. Còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác.
Tổng trong hai năm (2016-2017), thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1,1 triệu người, đạt kế hoạch dự kiến và chiếm 29% dự kiến kế hoạch của 5 năm (2016-2020). Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn.
Trong đó có việc tổng hợp, thống kê kết quả đào tạo thường xuyên tại các doanh nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề các trung tâm còn yếu.
Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn các vùng khác trong cả nước.
Đặc biệt lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ làm không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Định mức chi phí đào tạo cho từng nghề ở một số địa phương thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo
Chú trọng nghề phi nông nghiệp
Theo kế hoạch 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trong 3 năm (2018 - 2020) hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 2,74 triệu lao động nông thôn, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề. Giai đoạn 2018- 2020 dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động và chuyên đôi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn (trong đó 625 ngàn người học nghề nông nghiệp, 2.115 ngàn người học nghề phi nông nghiệp).
Để đạt được mục tiêu trên Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn.
Định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; mức chi phí đào tạo đối với từng nghề. Rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo.
Rà soát, xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo (số lượng, cơ cấu nghề, trình độ đào tạo) của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động.
Rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở tham gia đào tạo cho lao động nông thôn về: nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị đào tạo để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao đông nông thôn, theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn...