Hướng tới nền giáo dục toàn diện, công bằng

Phương Linh 20/09/2017 08:00

Ngày 19/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Diễn đàn giáo dục 2017, với chủ đề Báo cáo phân tích ngành Giáo dục: Giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Tại Diễn đàn giáo dục, PGS.TS Trần Thị Thái Hà (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo phân tích về giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Đáng chú ý, báo cáo đã đề cập đến một số hạn chế, trong đó nhấn mạnh có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh. Tỷ lệ học sinh đạt chuẩn môn tiếng Anh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khoảng hơn 10% học sinh không hoàn thành chương trình giáo dục THPT. Đây chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại.

Về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện dạy và học phát triển năng lực như phòng học, trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu sách hướng dẫn… kết quả khảo sát khẳng định còn thiếu, số học sinh trên lớp còn đông, chưa tương thích với phương pháp dạy và học mới.

Bên cạnh đó, áp lực thi cử, đặc biệt ở THPT là một rào cản trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Mặt khác, tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh vẫn nặng về thành tích điểm số...

Từ những đánh giá trên nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất định hướng và giải pháp liên quan đến giáo dục phổ thông giai đoạn tiếp theo, đó là ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông vùng khó, đối tượng trẻ em thiệt thòi đảm bảo giáo dục hòa nhập và công bằng giới; Chuyển từ chú trọng “số lượng” sang chú trọng “chất lượng” trong phát triển giáo dục theo hướng phát triển năng lực và đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh...

Phương Linh