Quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận: Không thể bỏ qua yếu tố cảnh quan văn hóa, lịch sử

Nguyên Khánh 20/09/2017 10:10

Không rõ thành phố Hà Nội cần bất động sản hơn hay một thành phố phát triển bền vững hơn? Chúng ta đã từng chứng kiến sự thất bại của một dự án đô thị chỉ chú ý đến yếu tố giao thông mà bỏ qua yếu tố cảnh quan văn hóa lịch sử đô thị, hy vọng Dự án tái thiết ga Hà Nội không mắc lại sai lầm này- KTS Trần Huy Ánh bình luận xung quanh đề xuất quy hoạch khu vực ga Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ga Hà Nội.

Có nằm trong kịch bản phát triển?

Bình luận về đề xuất xây cao ốc ở khu vực ga Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho biết, đến thời điểm này cá nhân ông vẫn chưa được tiếp cận với bản vẽ chi tiết, chưa biết Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) đề xuất xây gì, xây thế nào ở khu vực này, chỉ biết rằng sẽ có tổ hợp nhà cao tầng được xây dựng ở đây.

Dù chưa nắm được thông tin chi tiết nhưng theo KTS Trần Huy Ánh việc xây nhà cao tầng ở khu vực này rõ ràng mật độ, diện tích tăng thì nhu cầu về hạ tầng, đô thị đòi hỏi cũng lớn hơn. Tất nhiên, trong quy hoạch người ta cũng tính đến những vấn đề này. Sở QHKT có nói họ đã tính toán một cách khoa học, sẽ không áp lực về dân số...Vì vậy, việc cần làm là người đề xuất đồ án sẽ phải giải trình cụ thể, chi tiết với xã hội.

Tuy nhiên, ông Ánh lưu ý, tất cả những điều này có nằm trong quy hoạch chung không? Nằm trong kịch bản phát triển mà Hà Nội đã từng cam kết, công bố không?

“Ga Hà Nội có vị trí quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển giữa trung tâm đô thị lõi Hà Nội, ảnh hưởng và tác động tới nhiều bên liên quan. Làm việc gì đó liên quan đến khu vực này Hà Nội sẽ phải đối mặt những vấn đề hóc búa về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử và sẽ diễn biến trong thời gian dài nên không thể nóng vội và đơn giản hóa” - KTS Ánh nói.

Đừng đi vào vết xe đổ của các dự án trước

Về những lo ngại với những cao ốc 40-70 tầng mọc lên xung quanh khu vực này sẽ dẫn đến tăng mật độ dân cư trong nội đô cũng như gây ra nhiều hệ quả khác, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, muốn xác định những hệ quả gì, cần phải biết chi tiết thông tin liên quan dựa trên 3 tiêu chí mà dự án đưa ra, đó là: “Cung cấp dịch vụ giao thông công cộng hiệu quả, đạt chất lượng cao để tạo ra kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị cũng như các phương tiện khác; Tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất dọc hành lang và chung quanh đường sắt đô thị; Cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện sống cũng như hoạt động kinh tế - xã hội.” Đặc biệt, cần chú ý đến mục tiêu cốt lõi việc xây lại ga, đó là tăng cường sức mạnh của hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng chứ không phải ưu tiên phát triển bất động sản thương mại.

Một vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, đó là ga Hà Nội là di sản cần được bảo tồn và chỉnh trang lại cho phù hợp với cảnh quan của Thủ đô chứ không nên xây dựng “hoành tráng”, ông Ánh cho biết, xung quanh ga Hà Nội có nhiều công trình và thắng cảnh văn hóa như Văn Miếu và một số đền ở phía Tây, cung Hữu nghị Việt - Xô và một số viện bảo tàng, biệt thự kiểu Pháp trong khu phố Pháp nằm ở phía Đông ga. Ga Hà Nội sẽ là cửa ngõ đón khách du lịch của Hà Nội. Đối diện ga có hồ Linh Quang. Trong bán kính 1 km tính từ ga còn nhiều hồ và không gian mở như hồ Văn Chương, hồ Văn đối diện Văn Miếu và hồ Thiền Quang...

“Chúng ta đã từng chứng kiến sự thất bại của một dự án đô thị chỉ chú ý đến yếu tố giao thông mà bỏ qua yếu tố cảnh quan văn hóa lịch sử đô thị, hy vọng dự án tái thiết ga Hà Nội không mắc lại sai lầm này”- theo ông Ánh.

Ở góc độ khác, ông Ánh cho rằng điều mà người dân băn khoăn là cơ hội chuyển đổi này có thực sự mang lại lợi ích cho xã hội không, hay việc đưa ra một khung phát triển không gian như vậy chỉ mang lại lợi ích cho những người đầu cơ bất động sản?

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Lê Vinh cho biết, quy hoạch này do Sở QHKT chủ trì lập. Đơn vị tư vấn là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ (NSC) của Nhật. Theo Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận, Hà Nội đề xuất xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô. Tăng khả năng tiếp cận giữa khu vực ga Hà Nội tới các công trình của khu phố cổ, khu phố Pháp và khu vực phía Tây quận Đống Đa. Đồng thời, phát triển không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hiện có.
Về việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, TP đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng. Cụ thể: các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất quy hoạch; Khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông; Khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng bố cục ở phía Tây Nam; Khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng; Khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch. Theo tính toán của đơn vị lập Đồ án, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỉ đồng. Dự kiến việc đầu tư sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 phát triển đến năm 2030, giai đoạn 3 phát triển từ năm 2025 đến 2035.

Nguyên Khánh