Lắt lay sau bão
Vùng thâm sơn cùng cốc Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau bão trông hoang tàn, xơ xác. Trận bão vần vũ 8 tiếng đồng hồ đã kéo lùi sự phát triển của xã này tới…10 năm. Kỳ Thượng bây giờ như một bãi chiến trường. Đường sá ngổn ngang, cây cối 2 bên đường gãy đổ, nhà cửa tan hoang, trẻ con, người già lâm cảnh màn trời chiếu đất. Cùng cảnh ngộ, người dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình đang vớt vát lại những gì còn sót lại sau bão, thế nhưng, tất cả chỉ là một đống đổ nát…
Người dân vùng Kỳ Thượng vẫn đang lâm cảnh màn trời chiếu đất sau bão số 10. Ảnh: Hạnh Nguyên.
Bão đến rồi đi đã để lại cho người dân các vùng như Hà Tĩnh, Quảng Bình những hoang tàn, xơ xác. Cần lắm sự chung tay của người dân cả nước cũng như chính nghị lực của người dân vùng bão trong thời gian này.
Kéo lùi sự phát triển 10 năm
Vùng thâm sơn cùng cốc Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau bão trông hoang tàn, xơ xác. Trận bão vần vũ 8 tiếng đồng hồ đã kéo lùi sự phát triển của xã này tới…10 năm. Mất điện, nước. Nhà sập, lúa ướt, gạo mốc… tương lai mịt mờ vì mọi tài sản gần như bị xóa sổ. Đến bây giờ, hệ thống điện, chưa được khắc phục, Kỳ Thượng vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Kỳ Thượng bây giờ như một bãi chiến trường vừa bị hàng chục tấn bom B52 dội xuống không thương tiếc. Đường sá ngổn ngang, cây cối 2 bên đường đổ gãy, nhà cửa tan hoang, trẻ con, người già lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Anh Nguyễn Văn Thảo (33 tuổi) đang cố lục tìm chút gì còn sót lại dưới đống đổ nát. Căn nhà lớn hai gian cộng với nhà bếp được đôi vợ chồng trẻ gây dựng chưa đầy 10 năm đã đổ sập hoàn toàn. Mọi vật dụng như tivi, tủ lạnh, bàn ghế… nằm vất vưởng dưới đống gỗ tàn.
Nhà anh Thảo còn mấy cân gạo để trong chiếc bao tải nhỏ cũng mốc đen kịt. Hai hôm nay, hàng xóm phụ giúp dựng cho cái lán tạm, vây mấy miếng bạt để 4 con người trú ngụ, bởi thế hai đứa con của anh Thảo lúc nào cũng ướt nhẹp do ở trong cái lán chật chội. “Mồng 3 Tết tôi bị tai nạn, ảnh hưởng não, nằm một chỗ mới dậy đi lại được 2 tháng nay, mọi tiền của đều đổ vào thuốc thang hết rồi. Có căn nhà thì trời đã đánh sập”- chị Cao Thị Liên – vợ anh Thảo thổn thức nói.
Cách gia đình anh Thảo vài chục mét là ngôi nhà đổ sụp của bà Nguyễn Thị Trúc (56 tuổi). Bà Trúc thuộc hộ “nghèo bền vững” ở thôn Bắc Tiến, chắt chiu được 10 triệu bạc, bà vay thêm 20 triệu của ngân hàng chính sách, mua khung nhà cũ của người trong xóm về dựng, nhưng ở chưa được 7 tháng thì giờ bị bão đánh tan. Đến bây giờ bà Trúc vẫn thất thần, từ ngày bão “phá” nhà đến nay bà Trúc chưa đêm nào ngủ được 2 tiếng đồng hồ, ngày chỉ ăn được 1 gói mỳ tôm.
Nhìn bà Trần Thị Thuể (68 tuổi, TB hạng 4/4), là cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ bập bõm trong đống đổ nát, dù can đảm mấy chúng tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Bởi từ trong đống đổ nát của nhà mình, bà cố lấy hết sức lôi ra được mấy cái xoong nồi méo mó mà không tìm đâu ra lấy được một chiếc vung úp lại cho vừa.
Cũng tại thôn Bắc Tiến, chúng tôi lại gặp cảnh tượng vợ chồng cụ Trương Văn Huân (88 tuổi) đang lụi hụi kéo ra từ trong đống đổ nát được một chiếc bừa và một chiếc võng lưới. Theo cụ, dưới đó còn có 2 cỗ quan tài được đóng sẵn mấy năm trước, phòng lúc có mệnh hệ gì khỏi làm phiền con cháu; còn một sập lúa với 2 tạ thóc dự trữ và một số xoong nồi chưa biết làm cách nào để đưa ra ngoài…
Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến cho biết: Tính đến hiện tại, toàn xã có 72 ngôi nhà bị sập, trong đó có 25 nhà sập hoàn toàn; 1.800 ngôi nhà và 12 hội quán thôn hư hỏng, tốc mái; 300 tấn xi măng làm đường giao thông chưa kịp thi công bị ngập ướt; 30ha lúa chưa thu hoạch cùng 50 tấn lương thực bị bão càn quét, làm ướt, hư hỏng; 400ha sắn hư hại; trên 1.000ha diện tích cây keo lá tràm, dó trầm và các loại cây ăn quả khác của người dân bị xóa sổ hoàn toàn; gần 300ha rừng tự nhiên bị xóa sổ… ước tính thiệt hại lên tới 218,7 tỷ đồng.
Người trồng cao su trắng tay sau bão
Sau bão số 10, hàng ngàn hecta cây cao su của người dân Quảng Bình đã bị gãy đổ nằm ngổn ngang. Nước mắt người trồng cao su lăn dài vì tiếc công, tiếc của.
Sau bão, chị Dương Thị Lan ở thôn Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) sững sờ, chết lặng khi lên thăm vườn cây cao su của mình. Cả rừng cao su hôm qua còn xanh mướt, mang lại cho gia đình 500 ngàn đồng từ tiền bán mủ. Số tiền này là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình chị, thế mà giờ cơn bão đã làm gãy từng vạt lớn; nhựa cao su vẫn còn chảy ròng ròng...
Để có thu nhập từ vườn cây cao su, chị Lan đã thuê người và mua thêm phân bón lót hết hơn 30 triệu đồng. Giá mủ cao su thấp nên chị Lan chưa đủ tiền chi phí.
Ngân ngấn nước mắt, chị Lan cho biết “Vườn cây này vừa mới chỉ được đưa vào khai thác chưa đầy 2 năm, giá mủ lên xuống thất thường nên chưa thu được bao nhiêu. Chắt bóp, tằn tiện chi tiêu chỉ đủ để trả nợ vay, cho các cháu đi học... Vậy mà giờ đây, gia đình tôi không biết xoay sở ra sao để đảm bảo cuộc sống”.
Không riêng gì gia đình chị Dương Thị Lan, vườn cây cao su của hàng trăm hộ dân khác ở xã Hòa Trạch, Tây Trạch, Đại Trạch... cũng bị cơn bão số 10 tàn phá.
Đứng lặng nhìn những hàng cao su nằm rạp sau bão, ông Nguyễn Văn Mùi nghẹn ngào nói: “Cuối tháng 9 năm 2013, cơn bão lớn đã làm gãy đổ hơn 500 cây cao su 5 năm tuổi của gia đình. Sau đó để vớt vát vườn cao su tui đã thuê máy, mướn thêm người về chống hết hơn 100 triệu đồng. Chừ thì trắng tay rồi chú à”.
Theo thông kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, tổng diện tích cao su bị thiệt hại là trên 16.000 ha, trong đó có 3.000 ha bị thiệt hại 100%. 5.000 ha bị thiệt hại trên 60%. Tại huyện Bố Trạch, địa phương có diện tích trông cây cao su lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, đã có 6.200 ha cây cao su bị thiệt hại, trong đó 3.000 ha thiệt hại hơn 70% và 3.200 ha thiệt hại từ 30 - 70%. |