Giám sát đồng bộ
Một ngày sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận kỳ họp thứ 17 với việc đề nghị xử lý kỉ luật nhiều cán bộ (cả đương chức và nguyên chức) và ban cán sự đảng địa phương thì Thường vụ Quốc hội sáng 19/9 đã họp cho ý kiến vào báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.
Điểm đặc biệt được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của QH nhắc đến đó là, trong năm 2017số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước.
Đương nhiên, kê khai nhiều như vậy lấy đâu nhân lực, vật lực để xác minh tính chính xác của trên 1 triệu bản kê khai nên con số xác minh ít là điều dễ hiểu. Nhưng chính vì xác minh ít nên rất có thể nhiều đối tượng ở diện kê khai sẽ thấy “nhờn thuốc” hoặc thấy không đáng ngại để kê khai không đúng; hoặc tranh thủ kiếm chác.
Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hạn chế, bất cập ấy là có thật, nhất là trong bối cảnh các cơ quan công quyền thường hay lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án...
Lật giở lại vụ việc của nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng được nhắc đến trong thông báo kết luận của UBKT Trung ương hôm 18/9 mới thấy: Trong vòng 4 năm, từ năm 2008 đến 2012, tỉnh Gia Lai với người đứng đầu là ông cựu Chủ tịch tỉnh vừa nêu trên đã tiến hành 2 đợt, giao hơn 35.000ha đất rừng cho 16 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su. Riêng trong 2 năm 2010-2011, đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su, vi phạm khoản 1, điều 31, Luật Đất đai. Rồi việc chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ trong năm 2010-2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn ngân sách nhà nước…
Chỉ từ một vụ việc thôi, mới thấy nhiều cán bộ tận dụng các khe hở trong quy định của Nhà nước “rất giỏi”. Nhưng sẽ không ai chỉ dùng cái “giỏi” ấy để thu tiền cho doanh nghiệp nếu mình không có lợi. Nếu không đã không có chuyện lợi ích nhóm, công ty sân sau thao túng.
“Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của UBKT Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ”- báo cáo của cơ quan thẩm tra về phòng chống tham nhũng đánh giá.
Một chuyện cũ nữa vẫn phải nhắc lại, ấy là, phàm đã làm cán bộ giữ trọng trách mà có ý định tư túi thì sẽ rất khó phát hiện. Có lẽ vì lý do này hay vì sự nể nang, né tránh mà nhiều năm qua, trong báo cáo phòng chống tham nhũng bao giờ cũng xuất hiện nhận định: Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch còn hạn chế. Dư luận cử tri cho rằng, số lượng vi phạm được phát hiện còn ít, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm về công khai, minh bạch đang có chiều hướng diễn ra phổ biến.
Liên quan đến tham nhũng, dù Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, nhưng việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.
Đơn cử việc tặng quà, chi lãi ngoài của Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty cổ phần VN Pharma (các bị cáo khai trong vụ VN Pharma đã chi tiền “hoa hồng” cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân; trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp).
Hay gần đây nhất, qua kiểm tra dấu hiệu sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, UBKT Trung ương đã phát hiện được ông sử dụng 2 ngôi nhà của doanh nghiệp. Nếu không có mục đích gì thử hỏi có doanh nghiệp nào lại đi trao nhà cho lãnh đạo thành phố? Và, nếu không nhận lời “giúp đỡ” doanh nghiệp sao lại nhận tài sản có giá trị lớn đến vậy?
Những câu hỏi ấy sẽ còn nhức nhối mãi. Bởi, nói một cách mỹ miều thì đây là “quà tặng” nhưng nếu chẻ hoe thì đây đúng là hành vi tham nhũng, ăn chặn tiền nhà nước chứ không hơn, không kém. Nhưng, nếu đồng chí cán bộ chưa bị lộ, chắc chắn số tiền, tài sản ấy Nhà nước chưa thể thu hồi; đó là chưa nói chuyện ngân sách còn chịu thất thoát những khoản tiền lớn hơn.
Từ những sai phạm được dẫn làm ví dụ nêu trên; từ những vụ việc tham nhũng mới được phát hiện gần đây mới thấy, đúng là ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra. Và, đạo đức công vụ, tiếc thay là chuyện mà lâu nay chúng ta bàn nhiều, bàn mãi, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng kết quả thu lại thì khá khiêm tốn.
Vì vậy, không thể chậm hơn được nữa, cần có một cuộc tổng rà soát việc bổ nhiệm cán bộ đi kèm với việc kiểm tra, giám sát nghiêm minh nhất là với những vị trí lãnh đạo dễ phát sinh tham nhũng. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai; yêu cầu giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn, quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.