Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa có sự đồng thuận
Chiều 19/9, chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO) Nguyễn Thủy Nguyên - đơn vị đầu tư chiến lược vào cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã có cuộc gặp gỡ với cán bộ nhân viên và phóng viên báo chí. Tuy nhiên sau gần 4 giờ làm việc dường như những khúc mắc vẫn chưa được tháo gỡ. Trước những câu hỏi, ông Nguyên đều trả lời vòng vo.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên.
Xúc phạm nghệ sĩ
Cụ thể, tại buổi làm việc các nghệ sĩ đã đồng loạt lên tiếng xung quanh những tồn tại trước và sau khi cổ phần hóa VFS. Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn thẳng thắn đặt câu hỏi: “Việc cổ phần hóa VFS nếu không sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam?”
Ông Tuấn cũng nghi ngại có ai chắc 90% doanh thu của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam đến từ phim? Hay đến từ thu nhập từ nhà hàng, khách sạn hay cho thuê... mà những lô đất vàng mang lại? Lúc đó, có ai nỡ trách phạt doanh nghiệp kiếm tiền từ thu nhập khác để nuôi phim? Đây là điều lo lắng, nghi ngại của rất nhiều người trong việc “đổi chủ”… “Anh cả đỏ” điện ảnh và những lô đất vàng này. Với “tổ lái” của Công ty vận tải thủy, điện ảnh Việt, nghệ sĩ Việt sẽ “lênh đênh” về đâu?
Hiện nay Hãng phim đang mập mờ trong cách làm việc. Trong bản cam kết ghi một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc. Vậy 8 đạo diễn còn lại có được tính là làm việc hay không? Chúng tôi muốn công việc, muốn cống hiến nhưng anh không cho chúng tôi cơ hội đó. Tôi muốn anh giải thích thế nào là công việc”- ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ bức xúc bởi tình trạng chậm lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim của đơn vị mua lại hãng. Các nghệ sĩ cho biết bộ phim “Người yêu ơi” mà hãng đang sản xuất là dự án nhà nước cấp trước khi cổ phần hóa. Công ty cổ phần không thể tính là “đã thực hiện một phim điện ảnh trong năm” như họ đã cam kết.
Trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông cho hãng phim - hiện mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng, lời hứa này không được thực hiện.
Chưa kể việc các nghệ sĩ “nóng mặt” khi lãnh đạo hãng nói các nghệ sĩ “không chịu làm việc”, “hãy tự đi kiếm việc, tự nuôi nhau, nếu không có việc hãng sẽ tạo điều kiện cho mượn địa điểm để “bán bún, bán phở”. Các nghệ sĩ còn đau lòng bởi sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới gây nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất. 4 phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật được dồn vào một phòng. Tủ kịch bản với nhiều tư liệu quý được chuyển sang Viện phim Việt Nam. Các kho đạo cụ, phục trang bị chuyển đến các kho của công ty vận tải cách đó gần 40 km. Các phòng này được cho thuê để kinh doanh, mở cửa hàng ăn uống để kiếm thêm tiền.
Thậm chí, ngay chuyển việc vận chuyển đạo cụ không khỏi làm nhiều cán bộ gắn bó lâu năm bức xúc về cách làm việc “cẩu thả” của Ban lãnh đạo mới.
Ngay tại cuộc họp, đạo diễn -NSƯT Nguyễn Đức Việt đã đưa ra các đạo cụ làm phim mà ông đã lấy lại từ hàng “đồng nát” ngay cổng Công ty trong ngày chuyển đạo cụ. Và ông cũng khẳng định việc vận chuyển các đạo cụ hoàn toàn không có các văn bản kiểm kê cụ thể.
Hãng phim truyện VN đang bị bủa vây bởi hàng quán.
Hãng phim để làm phim?
Trước hàng loạt các thắc mắc không chỉ của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim và các cơ quan báo chí, chủ tịch Hội đồng Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO) Nguyễn Thủy Nguyên đã lần lượt trả lời các câu hỏi. Nhưng ông Nguyên trả lời nhiều câu loanh quanh, không đúng vào câu hỏi. Cách quan niệm về nghề làm phim của ông Nguyên khiến nhiều nghệ sĩ có mặt tại buổi họp cảm thấy mình bị xúc phạm. Ví như, chỉ có bảo vệ là làm việc thật, người thật, còn nhiều nghệ sĩ chỉ đến chơi và sử dụng điện thoại.
Về câu hỏi kế hoạch phát triển của Hãng phim là chưa rõ ràng, ông Nguyên cho biết như bộ phim “Người yêu ơi” là của hãng là tuyên truyền nhầm. Trước khi cổ phần chưa có một giấy tờ nào nói bộ phim này là của hãng này.
“Kế hoạch chiến lược thì chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực trong đó có phim ảnh. Có thể hôm nay điện ảnh là chiến lược nhưng ngày mai thì điện ảnh là thứ phụ, chưa thể nói trước được. Nếu tôi nói điện ảnh là chiến lược là tôi nói lừa, nếu tôi nói là phụ thì cũng không đúng. Nếu như điện ảnh ở thời phát triển lãi gấp 20 lần thì ai cũng tranh nhau đi làm điện ảnh”- ông Nguyên nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết về kế hoạch chỉ sản xuất 1 phim truyện nhựa và 1 phim truyền hình cho 1 năm thì lấy đâu kinh phí nuôi hãng? Hay là công ty có kế hoạch kinh doanh nhà hàng, giải trí như đăng ký kinh doanh?, ông Nguyên không trả lời vào câu hỏi mà nói sẽ có kế hoạch để nghệ sĩ tự tìm việc làm, không làm phim được ở trung ương thì ở tỉnh, ở huyện, thậm chí về xã. Không làm được phim cấp cao thì làm cấp thấp.
Còn với câu hỏi của phóng viên Đại Đoàn Kết về kế hoạch sử dụng các khu đất vàng của VFS sau khi cổ phần hóa, ông Nguyên nói tất cả các khu đất đều thuê. Trong đó, khu đất ở Thái Văn Lung đang tranh chấp…
Còn câu hỏi về căn cứ quy định pháp lý nào mà công ty trả lương cho nghệ sĩ 540.000 đồng/tháng hay chấm công nghệ sĩ theo ngày làm việc hoặc theo sản phẩm là dựa theo căn cứ pháp lý nào?, ông Nguyên trả lời: Nguyên tắc trả lương là có làm có hưởng. Tôi chưa hề cắt lương. Tôi trả lương cho các cán bộ đúng như trước khi cổ phần. Chúng tôi phân làm hai loại: những người như bảo vệ, kế toán thì chấm công, còn các phòng nghệ thuật thì theo sản phẩm. Khi tư nhân cổ phần hóa chúng tôi phải công bằng. Có những người 3 năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường, thì các đồng chí suy nghĩ gì? Tôi sẽ không trả lương nếu các đồng chí 2-3 năm không đến cơ quan hoặc đến mà không làm gì.
Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này ở các số báo tới.