Kỳ lạ: Loài nhện hy sinh thân mình làm mồi cho đàn nhện con
Con nhện cái có họ với nhện mẹ chấp nhận hy sinh thân mình để trở thành đại tiệc cho những con nhện cháu háu ăn.
Nhện nhung dì hy sinh thân mình làm mồi cho đàn cháu. Ảnh: New Scientist.
Những con nhện nhung (Stegodyphus dumicola) tự dâng cơ thể của chính mình làm bữa ăn sống cho nhện non háu đói theo kết quả nghiên cứu đăng trên số tháng 10 của tạp chí Science Direct, New Scientist đưa tin. Đàn nhện con hút kiệt dưỡng chất bên trong mình nhện dì khi cơ thể nó hóa lỏng tự nhiên, khiến con nhện trinh nữ chỉ còn lại xác khô.
"Những con nhện non bắt đầu ăn thịt nhện cái khi nó vẫn còn sống", nhà nghiên cứu Trine Bilde ở Đại học Aarhus, Đan Mạch, cho biết. Nhện con tiêm enzyme để phân giải nội tạng của nhện dì và hút chất lỏng, chỉ chừa lại chiếc vỏ rỗng. "Nhưng đó rõ ràng không phải hành vi thô bạo. Hành vi đó giống như thể nhện cái đang mời nhện con ăn chúng", Bilde nói.
S. dumicola là loài nhện có tính xã hội cao và sống trong những chiếc tổ chung lớn. Hàng trăm con nhện phối hợp để bắt mồi, bảo vệ tổ và chăm sóc con non. Chiếc tổ xây từ sợi tơ chằng chịt và chất liệu thực vật, với nhiều chiếc lưới hai chiều để bắt mồi. Mỗi con nhện chỉ sống một năm, do đó chúng chỉ có thể sinh sản duy nhất một lần.
Ở S. lineatus, loài nhện có họ gần với S. dumicola, chỉ những con cái đã giao phối mới chăm sóc con non. Việc ghép đôi dường như không chỉ thúc đẩy nhện cái chăm sóc con non của chúng mà cả nhện con không phải do chúng sinh ra. Hành vi này có tên gọi "alloparenting" (làm mẹ đồng phân). Tuy nhiên, điều hạn chế là chúng chỉ cho phép con đẻ ăn thịt mình.
Bilde và đồng nghiệp muốn tìm hiểu liệu nhện cái S. dumicola chưa qua giao phối có thực hiện nghĩa vụ làm mẹ đồng phân hay không. Họ nhân giống nhện trong phòng thí nghiệm rồi chia chúng thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có hai con cái đã giao phối và ba con nhện trinh nữ, cùng một số con non, để quan sát hành vi của chúng.
Cả nhện cái còn trinh và nhện cái đã giao phối đều đảm nhiệm nghĩa vụ làm mẹ đồng phân. Chúng trông nom bọc trứng, nôn ra thức ăn cho nhện con và cuối cùng dâng chính cơ thể mình làm bữa ăn cho con non. Hành vi đặc biệt này có nhiều ý nghĩa bởi tất cả nhện sống trong tổ đều có quan hệ gần gũi với nhau và chia sẻ cùng nguồn gene. Số nhện cái lớn hơn nhện đực và chỉ một số con cái sinh sản, vì vậy nhện ở theo đàn có nhiều đặc điểm di truyền giống nhau.
"Đầu tư vào con non theo cách đó là sự đầu tư vào sinh sản thành công. Con cái càng truyền nhiều bản sao di truyền cho thế hệ sau càng tốt và dâng cơ thể làm thức ăn là một giải pháp tiến hóa khôn ngoan", Bilde nhận xét.
"Tôi nghi ngờ nhện cái đơn thuần không thể phân biệt bọc trứng của chúng và con khác", nhà nghiên cứu Jonathan Pruitt ở Đại học California, Santa Barbara, chia sẻ. "Đàn nhện tạo thành từ những con có họ chung, do đó ngay cả khi con cái đã đẻ trứng, việc giúp đỡ một họ hàng thân thiết vẫn mang lại lợi ích".
Môi trường sống của loài nhện cũng có thể là một nhân tố. "Nhện thuộc loài Stegodyphus sinh sống ở những vùng đất khô cằn, sa mạc, nơi con mồi hầu như rất khan hiếm", nhà nghiên cứu Mor Salomon ở Viện kiểm soát sinh học Cohen, Israel, cho biết. "Một con nhện cái hy sinh bản thân sẽ giúp cung cấp nhiều thức ăn hơn lượng chúng kiếm được bằng cách săn mồi".