TP Hồ Chí Minh hướng đến đô thị ứng dụng khoa học công nghệ
Ngày 20/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM và một số doanh nghiệp tại đây để tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại nhiều dự án thuộc thành phố quản lý.
TP HCM muốn mỗi người dân thành phố là một cảm biến xã hội giúp TP HCM phát hiện và xử lý nhanh chóng các vấn đề của xã hội, nâng cao hiệu quả công vụ.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết, hiện Khu Công nghệ cao quản lý gần 37.000 nhân lực cao, trong đó có 376 người là kỹ sư, chuyên gia nước ngoài. Số lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau ĐH chiếm gần 40%, trong đó có 19,10% số lao động có trình độ đại học trở và 12,6% có trình độ cao đẳng và trung cấp trở lên.
Chia sẻ với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lãnh đạo thành phố đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào thực tiễn kinh tế - xã hội của thành phố.
Qua các lần xuống trực tiếp quan sát tại các doanh nghiệp Minh Nguyên (đơn vị sản xuất linh kiện cho Tập đoàn Samsung) và thị sát hệ thống bơm chống ngập thông minh tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đang thi công, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định, thành phố hướng tới việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng KH-CN khởi nghiệp, nghiên cứu các công nghệ mới.
Cụ thể, TP HCM có tạo cơ chế để Vườn ươm Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP và Thành Đoàn TP HCM trong nghiên cứu thực hiện một số dự án về KH-CN có khả năng ứng dụng thực tiễn.
“Các đơn vị này được giao xây dựng một website chung về thông tin khởi nghiệp, mà ở trong đó đăng tải đầy đủ các thông tin về các chương trình hỗ trợ của thành phố, các dự án tiềm năng, thông tin về các doanh nghiệp đầu tư tài chính, để kết nối giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Ngoài dẫn chứng trên, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM có tâm nguyện khi xã hội ngày càng phát triển, ông hi vọng mỗi người dân sẽ trở thành một “cảm biến xã hội” để tương tác trực tiếp cùng với công tác quản lý đô thị của thành phố.
Chẳng hạn, thông qua một thiết bị di động cầm tay có tính năng tương tác với các Sở ngành TP thì người dân có thể tương tác, báo tin cháy nổ, trộm cắp, kẹt xe, ngập nước và ngay tại thời điểm đó những người được giao phụ trách mảng/lĩnh vực liên quan có thể phối hợp với người dân để giải quyết dứt điểm.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khen ngợi công tác sử dụng nhân lực của Khu Công nghệ cao TP khi sở hữu nhiều kỹ sư, nhân lực cao, chuyên gia nước ngoài có trình độ. Đặc biệt, nhờ nền tảng tốt về con người mà đến nay Khu Công nghệ cao TP HCM đã thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới vào TP HCM đầu tư như Samsung, Intel, các tập đoàn về công nghệ bán dẫn, công nghệ nano, công nghệ sinh học...
“Kinh nghiệm từ triển khai dự án Khu Công nghệ cao TP HCM cũng đã đóng góp rất lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, văn bản pháp quy liên quan đến sự nghiệp phát triển công nghệ cao của thành phố và cả nước”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, ngoài việc hướng đến một thành phố có thế mạnh về nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thì TP HCM đang hướng đến các giải pháp tổng thể cho Đô thị thông minh (Smart City 360). Sở đã tổ chức các hội thảo khoa học để lấy ý kiến của chuyên gia, trí thức thành phố góp ý cho vấn đề này và tạo dựng cơ chế hoạt động của các cơ quan chính quyền trong Đô thị thông minh tại TP HCM.
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, mô hình của một đô thị thông minh chính là một đô thị ứng dụng KH-CN để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng sống của cư dân và đảm bảo phát triển bền vững.
“Ở trong đô thị thông minh, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các tiện ích công cộng chỉ qua một “click” của smart phone, như sử dụng nước sạch công cộng, vệ sinh cá nhân, đổi tiền lẻ tiêu dùng; gắn những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng sử dụng được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng”, một chuyên gia tại ĐH Bách Khoa TP HCM phân tích.
Theo Sở KH-CN TP HCM, hiện nhu cầu sử dụng các thiết bị tự động và có tương tác với con người trong các lĩnh vực quản lý (an ninh, năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ ăn uống, xã hội, y tế...) đang ngày càng tăng lên nhanh chóng và TP HCM muốn tận dụng xu thế này để bứt phá, trở thành thành phố của KH-CN và đô thị thông minh của cả nước và khu vực.